HỘI THẢO VỀ SÁCH SỬ GIÁO KHOA ĐẦU TIÊN VỀ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT HỨA HẸN NHIỀU LÝ THÚ TẠI BOSTON THÀNH PHỐ CỦA NHIỀU CÁI NHÂT

Triều Giang
( Hình ảnh từ Internet và VAHF)


Boston Thủ đô tiểu bang Massachusetts với nhiều cái nhất

Thủ đô Boston của tiểu bang Massachusetts với dân số gần 700 ngàn người. tọa lạc tại vùng Đông Bắc và là một trong những thành phố cổ nhất của Hoa kỳ được thành lập từ đầu thế kỷ 17, trước đó Boston chỉ là một vùng bờ biển hoang sơ với ít thổ dân. Khi nhóm người Anh gốc Thanh giáo từ thành phố Boston của nước Anh di dân đến đây phát triển thành thủ đô của nhóm Thịnh Vượng Chung Massachu-setts.

Sau khi tranh đấu và giành được độc lập từ mẫu quốc Anh, Massachusetts trở thành 1 trong 13 tiểu bang đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, (dân số của toàn tiểu bang khỏang trên 8 triệu người, đứng hàng thứ sáu của Hoa Kỳ) Boston phát triển thành trung tâm văn hóa, khoa học, chính trị với rất nhiều cái đầu tiên và cái nhất; là một phố cảng đầu tiên và trung tâm sản xuất, văn hóa, tài chánh, giáo dục quan trọng nhất, có trường trung học công lập, hệ thống xe điện ngầm và công viên đầu tiên và lớn nhất.

Ngày nay, Boston là một trung tâm nghiên cứu khoa học; nhiều trường cao đẳng và đại học, trong đó có 2 Đại học danh tiếng; Harvard và MIT, khiến Boston trở thành nơi dẫn đầu thế giới về giáo dục đại học,bao gồm luật, y học, kỹ thuật và kinh do-anh. Một điểm son khác là người ở Boston có tỷ lệ hoạt động từ thiện trung bình cao nhất ở Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp và tổ chức ở Boston xếp hạng trong số những doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu trong nước về tính bền vững môi trường và đầu tư mới. Nhờ những di tích lịch sử như tàu Mayflower từng chở những người di dân đến Boston, các dinh thự cổ kính, phố cảng đẹp và trù phú, Boston còn là trung tâm du lịch mỗi năm đón nhận trên 20 triệu du khách.

Người Việt Và Khu Boston Little Saigon

Chưa có một nghiên cứu nào cho biết ai là người Việt đầu tiên đến sinh sống tại Boston, vùng đất có 4 mùa rõ rệt, mùa hè nóng và ẩm, mùa động lạnh và nhiệt độ thường dưới độ đông đá. Nếu yếu tố khí hậu không là vấn đề lớn thì có thể nói: Boston là vùng đất lành, chim đậu, là nơi lý tưởng để lập nghiệp và xây dựng gia đình. Sau năm 1975, làn sóng người tị nạn Việt Nam đến đây lập nghiệp nhờ những vòng tay nhân ái của các nhà bảo trợ từ các nhà thờ và hội thiện nguyện. Theo thống kê không chính thức thì hiện có khoảng trên 10,000 người Việt sống tại thành phố phong phú, phát triển mọi mặt này. Người Việt tại đây hầu hết thành công. Thế hệ thứ nhất một số người làm công sở, một số khác kinh doanh. Thế hệ trẻ thành đạt, đông đảo giới khoa bảng luật sư, bác sĩ, giáo sư, doanh gia. Thành phố này hiện có dân biểu tiểu bang người Việt; Luật sư Trâm Nguyễn, mấy năm trước còn có Thượng nghị sĩ Massachusetts Dean Trần.

Sinh hoạt cộng đồng ở đây cũng rất khởi sắc; sau gần 20 năm tranh đấu, khu phố Dorchester được chính thức công nhận là “Khu Boston Little Saigon” vào năm 2020 giữa mùa dịch COVID. Khu này có chợ, nhà hàng và những văn phòng dịch vụ đông đảo, nhộn nhịp và còn có một văn phòng hỗ trợ cho những tiểu thương và các hội thiện nguyện của người Việt. Bạn đọc có nhu cầu xin liên lạc với : Linh Phương Vũ. Email: communityprogram@bostonlittlesaigon.org

Cộng đồng nhỏ nhưng sinh hoạt không nhỏ

Boston và vùng phụ cận có 4 nhà thờ công giáo có lễ tiếng Việt: Các Giáo xứ St. Ambrose, St. Marks, St. Bernadette, St. Andrew Phú Yên (Saint Clement Church in Medford). Boston có rất nhiều chùa, một số chùa lâu đời cần kể đến là chùa Phật Giáo Đại Chúng East Boston,South Boston, Chùa Phổ Hiền… Ngoài ra còn có nhà thờ Tin Lành, Thánh thất Cao Đài, Trường Huấn Luyện Võ Thuật Cổ Truyền VN, Võ Vovinam. Về truyền thông, hiện có tuần báo Thăng Long của ông chủ nhiệm Cường Nguyễn, Báo điện tử Người Việt Boston của nhóm nhà thơ nhà văn Trần Trung Đạo, phóng viên Trường Giang của Đài Truyền hình SBTN, đài Radio TNT-Boston của ông bà Hoàng Hà, và còn nhiều hội đoàn cựu quân nhân, các tổ chức đảng phái chính trị, văn hóa khác.
Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia gồm hầu hết là những người trẻ. Ông chủ tịch Thân Vĩnh Bảo Toàn, phó chủ tịch Khang nguyễn và các anh chị em trong Ban Điều Hành làm việc rất hữu hiệu. Tuy là một cộng đồng nhỏ về dân số nhưng hội chợ Tết hàng năm, Tổ chức Cộng đồng phối hợp với Tổng Hội Sinh Viên Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, và một số hội đoàn tại địa phương chung tay góp sức thành công tốt đẹp. Xuân Quý Mão vừa qua hội chợ đã thu hút được trên 7,000 khách du xuân. Rồi các Lễ tưởng niệm 30 tháng 4, Tết Trung Thu, và còn nhiều Lễ Hội khác. Khi trang báo này lên khuôn thì Ban Điều hành cộng đồng cùng với một số hội đoàn đang bận túi bụi chuẩn bị cho Lễ Hai Bà Trưng vào cuối tuần thứ hai của tháng 3, 2023.

Người Việt Boston và việc bảo tồn các trang sử trung thực

Trong suốt thòi gian chiến tranh và cho đến những ngày tháng gần đây, Boston phải nói là vùng đất của giới thiên tả, chống chiến tranh Việt Nam. Họ tập trung ở các Đại học, kể cả Đại học Harvard, hay tại bản doanh của truyền hình công cộng PBS, những người luôn bênh vực Cộng sản Bắc Việt trong suốt thời gian chiến tranh và hậu chiến. Họ là nhà sản xuất chính của cuốn phim dài 13 tập:” Vietnam; Cuộc Chiến 10,000 Ngày”, và mới mấy năm gần đây, họ cũng nắm vai trò nhà sản xuất chính của phim “The Vietnam War”. Họ vận động kinh phí trên $30 triệu Mỹ Kim mời nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Ken Burns và Lynn Novik đồng Đạo diễn để bênh vự cho thiên kiến của họ đã gây phẫn nộ cho cộng đồng người Mỹ Gốc Việt và ngay cả tập thể Cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại VN.

Trong môi trường này, người Việt sống tại Boston, tiểu bang Massachusetts hơn ai hết phải va chạm với tài liệu, sách giáo khoa sai sót, xuyên tạc của truyền thông, và tại học đường Hoa Kỳ thật gay gắt. Rất nhiều nỗ lực của các Thầy Cô và phụ huynh học sinh đã cố gắng để bảo vệ trang sử trung thực cho con em.
Hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt VAHF đến Boston; hai lần đầu vào các năm 2013, 2014 để phỏng vấn một số vị trong cộng đồng cho chương trình Lịch Sử Truyền Khầu (Oral History) , trong đó có cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo. bà Nguyễn Thị Bé, nữ điệp viên VNCH và cùng nhiều nhân vật khác. Lần thứ ba vào năm 2016 để trình chiếu phim VIETNAMERICA, lần nào cũng được cộng đồng người Việt ở đây chào đón, hỗ trợ nhiệt tình.

Chủ Nhật 19 tháng 3, 2023 sắp tới là lần thứ tư, Hội VAHF sẽ cùng một số Giáo sư, Tiến sĩ của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ của Đại Học Oregon đã và đang được sự yểm trợ đặc biệt của Tổ Chức Cộng Đồng Người Việt Massachusetts cùng các cơ quan truyền thông và một số thân hữu tại đây để tổ chức Buổi Hội Thảo và Giới thiệu hai cuốn sách sử đầu tiên về Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt, tại Hội trường Đại học St. Gregory, tại số 2220 Dorchester Ave. Boston, MA.02124:

Cuốn 1: “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963) do Tiến sĩ Giáo sư Tường Vũ và TS.Nữ Anh Trần cùng với 10 đồng tác giả.
Cuốn 2: “TOWARD A FRAMEWORK FOR VIETNAMESE AMERICAN STUDIES: HISTORY, COMMUNITY, and MEMORY” (Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng đồng và Ký Ức) do Ts. Linda Ho Peche, Ts.Alex-Thai Võ và TS Giáo sư Vũ Tường chủ biên cùng với 14 đồng tác giả.

Cuộc Hội thảo hứa hẹn nhiều điều thú vị, bổ ích

Khi Thư mời được gửi tới quý thân hào nhân sĩ trong cộng đồng, điều khiến Ban Tổ Chức rất phấn khởi là sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ khoa bảng, đặc biệt trong ngành Giáo dục:
Gs. Đan Thanh Nguyễn hiện đang giảng dạy tại Đại học Massachusetts vui vẻ nhận lời tham gia. Bác sỉ Nhãn khoa Đào Thu Liên trong Ban Giám đốc của Trường Huấn Luyện Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam và là Cố vấn của Tổng Hội Sinh Viên Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ đã nhận lời tham gia Chủ tọa đoàn cho buổi Thảo Luận cùng với Bác Sĩ Anh Phi Nguyễn.

Riêng Gs Sơn Ca Lâm đang giảng dại tại Đại học Dartmouth College in New Hamp-shire rất vui nhận lời tham dự, cô viết:

“Tôi cám ơn Ban Tổ Chức đã liên lạc với tôi và rất vui mừng khi được biết về hai cuốn sách mới này. Tôi sẽ đưa chúng vào giáo trình giảng dạy của tôi”. (I am very excited to check out these two new publications and to incorporate them into my teaching curriculum. Thank you for reaching out to me!)
Trong khi đó, một số các vị giáo sư trẻ trong nhóm trên 20 tác giả của hai cuốn sử sẽ có mặt tại Boston trong dịp này đang rất nôn nóng đến đây. Họ đến với hai mục đích: Tham dự Hội Nghị về Á Châu Học thường niên của tổ chức Asian American Studies (AAS), ngành dạy bằng Cử nhân chuyên về Người Mỹ Gốc Á. Mỗi năm họ tổ chức Hội Nghị một lần và chọn một thành phố để tổ chức. Năm nay họ chọn Boston. Hội Nghị quy tụ đông đảo các Thầy Cô, các nhà nghiên cứu trên toàn quốc Hoa kỳ và trên toàn thế giới.

Chương trình nghị sự năm nay có rất nhiều đề tài về vấn đề Việt Nam, về người Mỹ gốc Việt. Có khoảng 20 Gs, Nhà Nghiên cứu gốc Việt sẽ đem các đề tài này đến đây để được bàn luận mổ xẻ. Đặc biệt năm nay hai cuốn sách sử đầu tiên về người Mỹ Gốc Việt kể trên sẽ được giới thiệu tại Hội Nghị với sự trình bày của Gs Tường Vũ và Gs Alex Thai Võ.

Lý do thứ hai; các diễn giả cũng mong đợi để được gặp gỡ và trao đổi với cả hai thế hệ người Việt tại Boston qua buổi Hội thảo: với quý vị cao niên họ mong được lắng nghe và học hỏi, với thế hệ trẻ để cùng bàn luận, cùng tiếp tay trong việc phổ biến và vận động các khu học chánh, các Đại học dùng hai cuốn sách này thay cho những sách vở, tài liệu không chính xác trước đây, và hơn thế nữa để duy trì lịch sử và di sản người Việt cho các thế hệ kế tiếp.

Gs. Tường Vũ, trưởng khoa Chính Trị Học và Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon và là chủ biên của cả 2 cuốn sách chia sẻ:

“Tôi đã đến Boston vài lần; lần này đến để tham dự Hội Thảo của ngành Người Mỹ Gốc Á (Asian American Studies) và tôi rất vui mừng có cơ hội được gặp đồng hương để hiểu thêm về cộng đồng người Việt tự do ở Boston. Tôi đã biết nhiều về các cộng đồng ở California và Texas, nhưng đây là lần đầu tiên được tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng người Việt ở Boston”

Dự án tìm hài cốt quân dân cán chính VNCH

Gs. Alex Thái Nguyễn đang làm việc tại Việt Nam Center tại Lubbock và là một trong 3 chủ biên của cuốn “Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Về Người Mỹ Gốc Việt”, Gs Alex chia sẻ:

“Tôi rất vui vì sẽ có cơ hội được gặp gỡ đồng hương ở Boston để chia sẻ, trao đổi, và học hỏi từ các vị về những vấn đề liên quan đến Việt Nam cũng như về cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Điển hình dự án tìm hài cốt quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa chết hoặc mất tích trong chiến tranh hay trong các trại tù “cải tạo”. Đây là một dự án lớn và lâu dài và cần nhiều sự giúp đỡ của đồng hương trong việc cung cấp thông tin về những ai còn mất tích hầu giúp tôi tạo nên một cơ sở dữ liệu cần thiết cho việc vận động chính quyền Hoa Kỳ hỗ trợ trong việc tìm hài cốt quân dân cán chính VNCH”.

Riêng với Nữ Gs. Trần Nữ Anh đang dạy sử tại Đại học Connecticut, đồng chủ biên với Gs. Tường Vũ cuốn (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963) cho biết cô cũng khá gần gũi với cộng đồng người Việt tại vùng Đông Bắc nước Mỹ vì từ khi còn là sinh viên cô cũng từng dạy những lớp tiếng Việt cho các thiếu nhi. Cô tham gia Hội Nghị Á Châu học với vai trò người điều khiển một số buổi Thảo luận. Cô mong được xum họp cùng bạn đồng nghiệp. Cô phát biểu:

“Đa số trường đại học Mỹ có nhiều nhất là một giáo sư nghiên cứu về Việt Nam thôi. Nên mỗi lần đi hội nghị, tôi lại có dịp gặp bạn bè, trao đổi ý kiến với các học giả quan tâm đến Việt Nam”.

Lần này Gs. Trần Nữ Anh còn được gặp và trao đổi với cộng đồng và các bạn trẻ Việt Nam cô vui vẻ chia sẻ: “dĩ nhiên vui rồi!”.

Ngoài 3 vị Chủ biên của hai quyển sách nói trên, sẽ có thêm một số các Gs, Tiến sĩ, đồng tác giả người Mỹ Gốc Việt cũng sẽ sắp xếp để được gặp gỡ cộng đồng, một cơ hội hiếm có không muốn bỏ qua.

Phim VIETNAMERICA được chọn trình chiếu tại Hội Nghị AAS Boston

Điều đặc biệt tại Hội Nghị AAS tại Sheraton năm nay là phim VIETNAMERICA của Hội VAHF sản xuất từ năm 2015, đã được tuyển chọn trong hàng trăm cuốn phim dự thi để được trình chiếu tại Nghị hội vào lúc 10:20 sáng thứ Bảy 18 tháng 3, 2023.

Cũng nên nhắc lại, phim VIETNAMERICA nói về chiến tranh VN, hành trình tìm tự do và những đóng góp quan trọng của người Mỹ Gốc Việt cho quê hương thứ hai đã được đưa vào 15 Đại hội Điện ảnh, thắng 5 giải quốc gia và quốc tế, được chọn trình chiếu tại Viện Truyền Thông và tại Quốc Hội Hoa Kỳ và công chiếu tại trên 30 thánh phố tại Mỹ, Canada, Âu Châu, Úc Châu và Tân Tầy Lan. Hiện phim đã được nhiều Đại học và các Thư viện Hoa Kỳ lưu trữ cho việc giảng dạy và nghiên cứu về người Mỹ Gốc Việt.

Ban Tổ chức của Hội nghị AAS đặc biệt miễn phí cho khán giả từ Cộng đồng Người Việt đến xem. Phim sẽ chiếu lúc 10:20 AM tại
Sheraton Hotel (Hampton – 3rd Floor)
39 Dalton Street
Boston, MA 02199
617.236.2000 or 888.624.7050

Thân hữu của Hội Cao Niên vùng Boston có dự trù tổ chức xe bus tử văn phòng của Hội đến địa điểm chiếu phim. Xin liên lạc với anh Hùng Nguyễn (617) 832-5251 để biết thêm chi tiết.

Trong Lá thư Chào mừng Hội Nghị, nữ Thị trưởng Boston Michelle Wu chúc Hội Nghị thành công và người tham dự gặt hái được nhiều kết quả như mong đợi. Muốn biết chương trình của Hội Nghị, bạn đọc có thể dùng Link dưới đây:
https://www.asianstudies.org/wp-content/uploads/2023-AAS-Print-Program-FI-NAL.pdf?utm_source=book&utm_medium=website+&utm_campaign=BostonprogrambookPDF

Và như thế, cuối tuần của tuần lễ thứ ba của tháng 3, 2023 câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, về lịch sử Người Mỹ Gốc Việt sẽ được nhắc nhở, bàn thảo nhiều nhất tại Boston, thành phố với truyền thống của nhiều cái nhất. Đó chính là nhờ giới trẻ của Cộng đồng hải ngoại chúng ta đang thay cha ông để đưa tiếng nói của người Mỹ gốc Việt vào giòng chính mà mỗi người chúng ta hằng mong mỏi, và họ đang rât cần sự hỗ trợ của mỗi người chúng ta.

Buổi Hội Thảo còn có văn nghệ giúp vui, tiệc trà và vào cửa tự do.
Mọi chi tiết, xin liên lạc với ông Khang Nguyễn, Phó chủ tịch Cộng Đồng Boston. ĐT: (781) 707-6397. Hoặc cô Dung Hoàng, Phụ tá Sản suất phim VIETNAMERI-CA. ĐT: (512) 786-1575

Triều Giang
(03/2023)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *