ĐỪNG CƯỜI TRƯỚC “CHIẾC BẪY DÂN TỘC”

Hôm 8 tháng 6, 2021 báo chí trong nước đồng loạt trích đăng lời ca ngợi của Thủ tướng CS Phạm Minh Chính dành cho đội tuyển Việt Nam sau khi đá bại đội tuyển Indonesia: “…được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và là ý chí vươn lên mạnh mẽ qua các thời kỳ của con người Việt Nam ở từng lĩnh vực.”

Đoạn văn của Phạm Minh Chính gây một trận cười vang trong không gian mạng.

Có người ví Phạm Minh Chính như một anh hề diễn hay không thua gì người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Ngân hàng Phát triển Á châu hay chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi Cuba năm 2009.

“Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” có liên quan gì đến kỹ thuật bóng đá, và nếu đội tuyển Việt Nam thua trong những vòng sau, chẳng lẽ vì nền văn hóa Việt Nam chưa đủ “đậm đà”? Bao nhiêu nước trên thế giới với nền văn hóa dày, phong phú lâu đời như Ấn Độ không “hun đúc” nổi một đội tuyển bóng đá có tầm vóc?

Thắng một trận cầu là thành quả tổng hợp của các yếu tố trong đó ít nhất gồm tài điều khiển của ông bầu, thể lực, kỹ thuật của cá nhân của cầu thủ, quá trình tập luyện của đội, các khích lệ vật chất, và nói như Michael Jordan còn phải có “tinh thần đồng đội và trí thông minh.”

Có lẽ chưa ai so sánh một trận banh vòng loại với cả dòng lịch sử văn hóa nhiều ngàn năm của một dân tộc như Phạm Minh Chính.

Nhưng đừng vội cười.

Những người cười Phạm Minh Chính ngu ngơ và ngớ ngẩn là những người biết khá nhiều, đọc khá đủ, hiểu khá đúng về CS. Con số những người này tại Việt Nam vẫn còn rất ít ỏi và sinh hoạt trong giới hạn của không gian tin học. Trong lúc những người lắng nghe Phạm Minh Chính một cách nghiêm trang và chân thành lại rất đông.

Phạm Minh Chính biết rõ điều đó. Ông ta biết số người tin trận thắng của đội tuyển Việt Nam là kết quả “hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” vẫn chiếm một số rất lớn trong 90 triệu người Việt Nam và mấy chục triệu con thỏ hiền ngoan này rất dễ bị lừa.

Thâm ý của họ Phạm và cũng là của đảng CSVN là hướng dẫn và củng cố niềm tin của người dân Việt bình thường vào đảng CS nhưng chẳng lẽ nói thẳng ra “hun đúc từ đảng” thì quá lố lăng.

Bằng chứng, chỉ hai hôm sau, Nguyễn Trọng Hoàng, tiền vệ của đội tuyển Việt Nam đã lặp lại ý của Phạm Minh Chính khi trả lời phỏng vấn của FIFA: “Chúng tôi đang mang cả sứ mệnh của dân tộc”.

Nguyễn Trọng Hoàng chắc chắn đã đọc lá thư của Phạm Minh Chính gởi cho đội tuyển Việt Nam và anh tin một cách chân thành rằng sự sống còn, niềm tin và danh dự của dân tộc Việt Nam đang đặt trên vai anh và đồng đội.

Trong lịch sử từ khi có mặt trên đất nước Việt Nam, đảng CS khai thác các khái niệm nặng tình cảm như dân tộc, tổ quốc, đồng bào, lòng yêu nước phù hợp một cách chính xác theo nhu cầu của đảng trong mỗi giai đoạn, mỗi chủ trương, mỗi chiến lược và mỗi thời kỳ.

Nhưng đừng quên, có một thời gian dài hai chữ dân tộc thiêng liêng này vắng mặt trong hầu hết các văn kiện đảng hay bút tích của các lãnh tụ đảng CS.

Con người khi khắp chết là lúc nghĩ đến những gì thân thương và gần gũi nhất. Hồ Chí Minh, một trong những thành viên tích cực của Đệ Tam Quốc Tế CS, chỉ nghĩ tới đảng chứ không phải dân tộc.

“Di chúc Hồ Chí Minh”, bản do đảng CS công bố, dài 1127 chữ, được Nguyễn Phú Trọng ca ngợi “Di chúc của Người tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại”. Thế nhưng trong suốt “di chúc” không có chữ “dân tộc” (Việt Nam) nào.

Ngay khi đặt bút, Hồ Chí Minh chỉ nghĩ đến việc một ngày sẽ đi gặp “cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. “Đàn anh” là các lãnh tụ CS quốc tế như Mao Trạch Đông, Stalin chứ không phải các nhà cách mạng Việt Nam đi trước. Nếu đã nghĩ tới Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh thì họ Hồ đã không dùng chữ “và” trong câu văn đó.

Trong 6 điều để lại trong “di chúc”, điều thứ nhất nói về đảng, điều thứ hai nói về đảng, điều thứ tư nói về đảng, điều thứ năm nói về đảng và kết luận cũng nói về đảng. Lần nữa, không có dân tộc, lãnh thổ, lãnh hải nào trong văn bản gọi là “di chúc”.

Trong quan điểm CS, dân tộc chỉ là một phương tiện, một chặng đường, một chiếc ghe dẫn đến mục đích CS. Câu “Công nhân không có tổ quốc” (Working men have no country) trong Tuyên Ngôn Đảng CS của Karl Marx và Frederick Engels công bố vào tháng 2, 1948 đã khẳng định điều này.

Nguyên văn của phân đoạn quan trọng này trong Tuyên Ngôn Đảng CS: “Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình giành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.” (Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản, bản dịch của Chu Đình Châu, 2003).

“Dân tộc” trong phân đoạn này về ý nghĩa và nội dung không phải là tập hợp của những người trong cùng một nước, cùng chung một lãnh thổ, ngôn ngữ, gắn bó nhau một nền văn hóa, truyền thống và lịch sử lâu dài. Theo Karl Marx dân tộc chỉ là bước tiền đề của cách mạng vô sản, tình trạng đang chuyển hóa để hội nhập vào một xã hội được CS quốc tế hóa sau khi các cuộc cách mạng vô sản hòan thành.

Trong nội bộ đảng thì vậy nhưng đối với quần chúng, nhân dân ngoài đảng thì khác.

Đối với các thành phần này, đảng dùng những chiếc bẫy “dân tộc, độc lập, tự do, hạnh phúc”, “hạt gạo cắn đôi vì miền Nam ruột thịt” và nhiều khẩu hiệu mới nghe qua là nước mắt rưng rưng. Trong suốt hai mươi năm, nhiều triệu người đã rơi vào những chiếc bẫy đó.

Nhưng trời cao có mắt, sau 1990, phong trào CS thế giới một thời làm nên sấm sét đã bị cơn gió văn minh nhân loại thổi bay thành cát bụi. Số phận của vài đảng CS còn lại như những cánh bèo chưa biết dạt về đâu.

Để cứu mình, “chiếc bẫy dân tộc” một lần nữa được giăng ra và lần này bộ máy tuyên truyền CSVN đang cố giải thích đảng cũng chính là dân tộc.

Đừng cười trước bẫy.

Trần Trung Đạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *