ĐẤT VÀ KHOAI

Những ngày còn ở Viên Giác, trước chùa trồng mấy luống rau lang nên món ăn chính của chúng tôi là rau lang. Rau lang xào, rau lang nấu canh, rau lang luộc, nói chung là lang đủ thứ.

Ngoài những luống trồng để chỉ ăn rau cũng có một vài luống trồng lấy củ nên chúng tôi thỉnh thoảng cũng được ăn khoai lang. Ăn uống nhiều năm như thế thành một thói quen nên sau này sang Mỹ đời sống tuy tốt hơn tôi vẫn thích ăn khoai lang.

Bà xã biết nên gần như mỗi tuần một hai lần trước khi đi làm nấu chín vài củ khoai lang bằng microwave và để sẳn trên bàn. Tôi thức dậy, pha cà phê, đọc email và ăn điểm tâm bằng mấy củ khoai lang. Với tôi, khoai không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là một nhu cầu tình cảm.

Tôi không sống trong quá khứ nhưng không bao giờ quên quá khứ. Tôi trân trọng những kỷ niệm dù rất nhỏ đã đi qua cuộc đời mình.

Ngoài khoai lang ở chùa Viên Giác, một câu chuyện về những củ khoai lang thật đậm đà đạo vị của đức Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN Thích Giác Nhiên mà tôi có dịp nghe mấy chục năm trước nay vẫn chưa quên.

Một lần tôi đi chung xe với anh Thiện Hải, một người anh trong Gia Đình Phật Tử và may mắn được nghe anh kể chuyện về đạo hạnh của đức Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên.

Chuyện rằng sau khi Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết viên tịch ngài được tấn phong lên làm Đệ Nhị Tăng Thống của GHPGVNTN. Dù là lãnh đạo tinh thần tối cao của nhiều triệu tín đồ Phật Giáo Việt Nam, đời sống của ngài không có một chút gì thay đổi.

Ngoại trừ những ngày đại lễ phải chuẩn bị thông điệp chúc lành đến chư tôn giáo phẩm và đồng bào Phật Tử toàn quốc, ngài vẫn trụ trì Tổ Đình Thiền Tôn ở Huế và cùng với chúng điệu chăm sóc khu vườn chùa. Bức hình bên cạnh, đức đệ nhị Tăng Thống đứng dưới bên giàn bầu của chùa. Đời sống chính của chùa là mấy luống khoai lang.

Ôn Thiền Tôn sinh năm 1878, nên khi được giáo hội tấn phong vào chức vụ Tăng Thống GHPGVNTN vào năm 1973, ngài đã 95 tuổi. Tuy tuổi rất cao ngài có sức khỏe rất tốt và trí tuệ vô cùng minh mẫn. Ngài nhớ những chuyện 80 năm trước một cách chi tiết như những chuyện vừa mới xảy ra hôm qua.

Một lần trước 1975, anh Thiện Hải không nhớ chính xác ngày nào, một phái đoàn đông đảo chư tôn đức lãnh đạo hội đồng lưỡng viện gồm Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo của giáo hội từ Sài Gòn và các tỉnh ra Huế đảnh lễ Đức Tăng Thống. Khi đoàn xe nhiều chiếc đến trước cổng chùa, chư tôn đức bước xuống nhưng ngạc nhiên chùa sao vắng vẻ, không một thầy nào ra đón. Thì ra, hôm đó là ngày thu hoạch khoai của chùa.

Khi được báo, Đức Tăng Thống từ ngoài vườn bước ra đón phái đoàn nhưng trên tay ngài vẫn còn một rổ khoai lang nhỏ. Chắc ngài chọn để nấu bữa cơm trưa. Thông điệp chào mừng của Đức Tăng Thống dành cho chư tôn đức thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện chỉ vỏn vẹn “Ra chi mà đông rứa.”

Sau đó, ngài dặn chúng điệu đi rửa thêm khoai để nấu đãi phái đoàn. Hôm đó Hòa Thượng Viện Trưởng, các Hòa Thượng Phó Viện Trưởng, các Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Viện Hóa Đạo và lãnh đạo giáo hội các tỉnh thọ trai ở tổ đình Thiền Tôn Huế bằng khoai lang.

Phật Giáo chuyển hóa một cách hài hòa vào mỗi dân tộc. Tinh thần đó không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới.

Trong cái chung phát xuất từ Kinh Luật Luận của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni vẫn có những nét riêng của Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Nhật Bản, Phật Giáo Trung Hoa v.v.. và Phật Giáo Việt Nam.

Từ khi hạt giống từ bi của đức Phật được gieo rắc trên mảnh đất vua Hùng, Phật giáo không chỉ là đạo Phật như đạo Phật Ấn Độ, đạo Phật Trung Hoa, đạo Phật Tích Lan nhưng là đạo Phật Việt Nam. Đạo Phật tại Việt Nam vui cùng niềm vui của dân tộc và cũng có lúc đã khóc chung một giòng nước mắt Việt Nam.

Một Chử Đồng Tử không tấm khố che thân hay các bậc quốc sư dày công giữ nước như Vạn Hạnh thiền sư, Khuông Việt đại sư cũng đều mang một tinh thần Phật giáo giống nhau.

Phật giáo không chủ trương độc tôn và cũng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam Phật giáo đã đóng một vai trò như thế.

Trong thời đại Lý Trần, thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư đã tham gia trực tiếp vào việc trị nước chăn dân và hầu hết vua chúa không những là Phật tử mà còn là tổ của các thiền tông nhưng không phải vì thế mà Phật giáo trở thành lực lượng thống trị xã hội, trái lại, các đạo giáo khác vẫn tồn tại và có ảnh hưởng quan trọng trong mọi sinh hoạt văn hóa xã hội Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam như đất và khoai. Phật Giáo Việt Nam là những củ khoai lang được nuôi dưỡng bằng đất dân tộc Việt Nam và chất đạm của khoai lang đã làm đất đai thêm màu mỡ.

Câu chuyện củ khoai lang của Đức Tăng Thống Thích Giác Nhiên đơn giản nhưng nói lên đạo hạnh của ngài mãi đẹp như ánh trăng tròn sáng soi trên dòng sông huyền nhiệm.

Một vài cụm mây đen tha hóa có thể làm bầu trời tối đi trong chốc lát nhưng không thể nào che khuất mãi vầng trăng.

Trần Trung Đạo

(Trích trong phần Những Đoản Văn Viết Trên Facebook trong tác phẩm Đêm Nghe Sông Hằng Hát, artwork của Quảng Pháp Trần Minh Triết )

One thought on “ĐẤT VÀ KHOAI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *