TÌNH NGƯỜI LÀ MÙA XUÂN CỦA NHÂN LOẠI

Cách đây khá lâu, một lần tôi từ Houston về lại Boston trong cơn bão tuyết.

Tuyết rơi lớn đến độ phi đạo không an toàn để phi cơ hạ cánh. Phi cơ bay thấp. Tôi có thể nghe tiếng tuyết đập vào thân máy bay xào xạc như có thể làm chiếc hộp kim loại mong manh kia vỡ nát bất cứ lúc nào. Phi cơ vần vũ trên không phận Boston cho đến khi gần hết xăng phải bay ngược lại phi trường Providence, cách Boston 45 dặm.

Tuyết ở Providence cũng rất dày tuy không bằng Boston. Trạm kiểm soát không lưu không có chọn lựa nào khác nên phải cho phi cơ hạ xuống trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Tiếng cọ xát của đôi cánh máy bay cắt xuyên qua lớp tuyết dày như tiếng lụa xé. Tôi đoán thầm, tất cả hành khách chắc đang thề thốt sẽ không bao giờ đi máy bay lần nào nữa.

Sau khi hạ xuống xong, phi cơ đậu ngay cuối phi đạo vì không đủ sức để lăn vào cửa. Hành khách phải bước xuống và lội lên 20 phân tây tuyết để vào hành lang phi trường.

Nhưng đó cũng là lúc cành hoa tình người nở rộ. Các bạn trẻ dìu các cụ già, những người còn khỏe giúp bế các em nhỏ, tay xách, vai mang vào bên trong phi trường. Đoạn đường ngắn nhưng gần cả giờ mới vượt qua được. Chúng tôi chen chúc nhau trong hành lang chật hẹp của một phòng chờ.

Ngày đó cell phone còn rất hiếm. Trong hơn trăm người chỉ có vài chiếc. Tôi có một cái cell phone hiệu Nextel nặng nề do hãng cấp nhưng dây điện thì lại gởi theo hành lý. Tôi chia cho những người chung quanh để họ gọi về nhà. Mỗi người chỉ được phép nói một câu.

Sang ngày sau chúng tôi cùng lên chiếc xe Bus của hãng máy bay cung cấp để về Boston. Những người trẻ đều phải đứng, chỗ ngồi dành cho các cụ già, phụ nữ và các cháu nhỏ.

Đoạn đường 45 dặm là đoạn đường gian khổ. Khi xe chạy vài trăm thước chúng tôi phải xuống đào tuyết bằng tất cả những gì mình có. Lại chia nhau từng khúc bánh mì, từng ly nước ngọt, những lời an ủi, khuyến khích. Không ai thở than, trách móc. Tất cả đều sống như một gia đình trong cơn hoạn nạn.

Đến chiều tối chúng tôi mới về đến Boston.

Khi chia tay nhau ở hành lang phi trường Logan, bà cụ ngồi gần chỗ tôi đứng trên xe, chợt nói lớn như để mọi người cùng nghe: “Cuộc đời thật là kỳ lạ, những người sống với nhau một ngày trọn vẹn, gần gũi, đáng nhớ như thế này mà suốt đời còn lại có thể sẽ không bao giờ gặp nhau lần nữa”.

Nhiều người trước đây cũng đã nói những câu tương tự như cụ. Nhưng khác với các triết gia chứng nghiệm lý lẽ của kiếp nhân sinh câu nói của bà cụ là kết luận sau một ngày thật trọn vẹn vui buồn chúng tôi đã sống với nhau.

Câu nói của cụ nhắc nhở về đặc tính mong manh của kiếp người nhưng đồng thời từ trong cái mong manh, lo âu, sợ hãi đó, giá trị đích thực của tình người được thể hiện.

Sống chết là định luật hiển nhiên nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Nhiều người sống tưởng như mình sẽ không bao giờ chết.

Với tôi, câu nói của cụ như được trích ra từ số phận gắn liền với cuộc đời mình.

Biết bao khoảnh khắc quý giá trong đời tôi đã sống qua và có thể sẽ không bao giờ được sống qua lần nữa. Nhiều khi ngồi một mình hình dung lại những kỷ niệm.

Từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Những chuyến xe. Những sân ga. Giòng sông Thu Bồn. Mặt hồ trong buổi chiều cuối thu. Ly cà-phê đen. Bài hát cũ. Tất cả vẫn còn đó nhưng đã rất xa xôi. Còn lại quanh đây là những câu hỏi tại sao nhưng không có câu trả lời.

Giống như bà cụ đã quên mình vừa trải qua một kinh nghiệm sống chết mà chỉ còn nhớ đến những kỷ niệm đẹp, tôi cũng thường nghĩ đến những hạnh phúc nhiều hơn là gian khổ khi nhìn lại quá khứ.

Tôi nghĩ đến những người tôi đã mang ơn. Nhiều lắm. Từ những đứa bạn nhỏ chắt chiu những đồng tiền lẻ của cha mẹ cho để chia sẻ với tôi cho đến Mẹ Hòa Hưng, người đã nuôi tôi chín năm thử thách nhất của đời mình.

Thời gian ở chùa Viên Giác là một ví dụ. Đó là thời gian cô đơn về tinh thần và khắc khổ về vật chất. Mà thật vậy. Chùa rất nghèo. Không có ruộng đất như các chùa ở ngoại ô như Long Tuyền, Phước Lâm, Chúc Thánh. Nếu các bác có đi chợ cũng chỉ để mua sắm chút nấm, chút mì căng cho thầy, phần lớn chúng tôi ngày hai bữa sống nhờ vào thửa rau lang trồng trước sân chùa và những hủ chao do các bác bên xã Cẩm Nam mỗi tháng hai kỳ sang làm giúp. Các thầy, các chú lớn tuổi đi đám ma chay còn được cúng dường tiền bạc để chi dùng riêng tư, không ai cúng dường cho đứa bé như tôi.

Đời tư của tôi không ai biết. Thầy chỉ hỏi một câu khi tôi đến và sau đó không hỏi nữa. Họa hoằn lắm mới có một người bà con từ trên quê xuống đi chùa, tình cờ nhận ra, vuốt tóc tôi vài cái, nói đôi lời an ủi rồi ra đi. Cô tôi biết nhưng chưa bao giờ có phương tiện để vào thăm tôi.

Ngoài các nhân vật, các câu chuyện, các tình tiết trong những cuốn sách của thầy để trên lầu, tôi không có ai để tâm sự. Tôi cũng không buồn xen vào chuyện người khác dù có những chuyện tôi không đồng ý. Trong những phiên họp đại chúng, các thầy, các chú lớn tranh luận nhiều vấn đề nhưng tôi chỉ ngồi nghe mặc dù về nhận thức tôi đã lớn hơn nhiều trong số họ. Tôi chỉ là khách trọ, đến không ai hay và sẽ đi không ai tiễn.

Ngoài trừ những chiếc lá rung như một điệu nhạc buồn trong một ngày đầu thu, gần năm năm sau, tôi “một mình làm cả cuộc phân ly.”

Nhưng những cực khổ đó đã trở thành phân bón cho những bông hoa tình người trong khu vườn mùa xuân của đời tôi nở rộ, để hôm nay khi nghĩ đến Viên Giác tôi cảm thấy thật êm đềm. Tiếng chuông chùa, lời kinh khuya đã nhẹ nhàng đi vào tuổi thơ tôi, đã chuyển hóa tâm hồn chất đầy oan nghiệt của tôi mà nhiều khi tôi không biết.

Những người có cuộc đời nhiều chịu đựng thường phải biết vượt qua, đôi khi bằng cố gắng và đôi khi chỉ bằng cách ngẩng đầu lên mà đi, khinh thường những chướng ngại. Tôi có cả hai.

Bây giờ khi nóng tính, khi quá hăng say về một chuyện gì, dù đúng hay sai tôi cũng biết dừng lại và biết lắng nghe, không khinh thường sự việc như ngày còn trẻ. Không có những ngày ở Viên Giác, khu vườn đời tôi sẽ buồn bã, khô khan, điêu tàn và trống vắng biết bao nhiêu.

Câu nói của bà cụ từ chuyến bay Houston, từ đó, có thể viết ngắn hơn, tình người mới thật sự là mùa xuân vĩnh cửu của con người.

Trần Trung Đạo

(Ảnh Trần Trung Đạo, ông bà dìu nha

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *