NƯỚC MỸ VẪN ĐÁNG YÊU

Tháng Tám năm ngoái, 2019, vợ chồng tôi đến thăm miền Nam Iceland. Chiếc xe bus du lịch hạng trung của một hãng du lịch chở khoảng dưới 20 người. Sau khi xe chuyển bánh, người tài xế và cũng là hướng dẫn tự giới thiệu mình và sau đó yêu cầu mỗi người tự giới thiệu từ đâu đến.

Chỉ có vợ chồng tôi và hai ông bà già ngồi phía sau cùng đến từ Mỹ, hai cô gái người Hong Kong nhưng đến từ Hòa Lan và khoảng hơn mười người còn lại là từ các nước Châu Âu.

Người hướng dẫn du lịch là một thanh niên khoảng dưới ba mươi tuổi, hoạt bát, hiểu biết khá rộng không chỉ thắng cảnh của Iceland mà còn am tường nhiều lãnh vực khác. Anh ta sắp nghỉ việc để sang Spain học tiếp về kinh tế tài chánh.

Cách nói chuyện và so sánh giữa Châu Âu và Mỹ cho thấy anh ta có cái nhìn tiêu cực về sinh hoạt chính trị Mỹ đang diễn ra căng thẳng và nước Mỹ nói chung. Một số khách Châu Âu phụ họa với anh.

Ông bà cụ người Mỹ ngồi gần cuối xe có thể không nghe hết. Tôi ngồi hàng thứ hai phía sau tài xế nên nghe rõ và rất lấy làm khó chịu. Lý do, tôi là công dân Mỹ. Nếu ở nhà, tôi sẽ để mặc họ tranh luận cho thỏa thích nhưng ở nước ngoài tôi trở thành một “đại sứ bất đắc dĩ” trong chiếc xe du lịch này.

Tôi nhắc khéo người hướng dẫn du lịch trở lại với nghề nghiệp du lịch của mình thay vì bàn chuyện chính trị nước Mỹ vô cùng phức tạp mà anh có thể không có đủ thông tin để đánh giá.

Người hướng dẫn quay nhìn khuôn mặt không cười của tôi và xin lỗi. Anh giới thiệu các thắng cảnh Iceland với những thác nước, bờ biển cát đen, dải băng hà tuyệt đẹp. Cả xe chăm chú lắng nghe anh.

Khi xe dừng lại ở trạm nghỉ. Tôi bước tới bắt tay anh hướng dẫn du lịch và xin lỗi đã cắt ngang anh. Tôi tự giới thiệu tôi cũng học kinh tế và lo về cơ sở dữ liệu cho một công ty đầu tư tài chánh. Tôi cho anh địa chỉ WhatsApp và email của tôi để liên lạc nhau khi cần vì trong cùng lãnh vực.

Tôi không có đủ thời gian để giải thích lý do tôi cắt ngang anh chỉ nhắc anh các vấn đề chính trị có lẽ không thích hợp trên xe du lịch với khách đến từ nhiều nước. Anh đồng ý. Tôi cũng hy vọng mai mốt đi học và có nhiều thời gian đọc anh sẽ hiểu sâu và rõ hơn về nước Mỹ.

Nước Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhưng rồi sẽ qua. Những tiêu cực sẽ lắng và nước Mỹ vẫn là một nước Mỹ đáng yêu.

Theo Thomas Fann, một quốc gia vĩ đại bao gồm 10 yếu tố: tự do, công lý, danh dự, đạo đức, lòng thương cảm, thành thật, giá trị cuộc sống, sáng tạo, vượt trội, bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Trong lúc các lãnh vực tự do, công lý đã được nhắc khá nhiều, hai đặc tính đáng yêu nhất nước Mỹ đáng được ca ngợi là lòng thương cảm và sáng tạo để soi sáng con đường văn minh của nhân loại.

Theo thống kê năm 2016 của Charities Aid Foundation, số tiền đóng góp của cá nhân người Mỹ cho các mục đích từ thiện bằng 1.4 phần trăm của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Mỹ, tức trên 260 tỉ dollar.

Năm 2017, theo tổ chức Charity Choice, mỗi ngày dân Mỹ tặng hơn một tỉ dollar cho từ thiện hay 417 tỉ dollar trong một năm.

Cùng một khảo sát này, năm 2016, Trung Cộng, nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và Tập Cận Bình cứ há miệng là nhắc tới năm ngàn năm văn hóa nhưng chỉ đóng góp cho nhân loại 0.03 phần trăm GDP, ngang hàng với Mexico còn nghèo khó và thấp hơn cả đóng góp của nước cựu CS Czech.

Theo thống kê của US and World News Report năm 2020 nền giáo dục Mỹ được xếp hạng số một trên thế giới.

Hệ thống giáo dục Mỹ là chất xám của nhân loại.

Học ở Mỹ cũng không nhất thiết phải vào Harvard, Stanford hay giàu có, dư dả mới có thể vào đại học.

Năm 2017, nước Mỹ có 4,298 đại học, trong đó 1626 là trường công lập. Những đại học nổi tiếng như University of California—Los Angeles, University of California—Berkeley, University of Virginia, Georgia Institute of Technology, University of Michigan, University of Texas at Austin, University of Florida, University of Massachusetts—Amherst v.v..đều là trường công lập với học phí thấp cho các sinh viên cư ngụ trong tiểu bang.

Tối qua ở Boston là đêm trăng tròn. Rất hiếm khi một tháng lại có tới hai lần trăng tròn vì trăng sẽ tròn lần nữa vào ngày cuối tháng. Nhưng thật sự trăng không một trăm phần trăm tròn như người ta gọi ‘full moon’. Trái đất nơi các xã hội con người đang sống cũng thế, không toàn vẹn và luôn cần được cải thiện.

Phương pháp cải thiện thích hợp nhất vẫn là giáo dục. Nhưng giáo dục như một dòng sông có hai bờ và trách nhiệm bắt đầu từ chính mỗi người chứ không thể ngồi đó đổ thừa ai khác cho sự thất học của mình.

Nước Mỹ vẫn là vùng đất của ước mơ và cơ hội. ‘American Dream’ và cơ hội không chỉ dành cho Albert Einstein (nhà toán học, sinh ở Đức), Alex Trebek (hướng dẫn chương trình Jeopardy, sinh ở Canada), Irving Berlin (tác giả nhạc phẩm God Bless America, sinh ở Nga) mà của bất cứ công dân Mỹ nào biết vượt qua mọi thử thách để vươn lên vì bản thân, gia đình và tương lai con cháu.

Nước Mỹ vẫn đáng yêu.

Trần Trung Đạo

(Ảnh thủ bút của Irving Berlin và nhạc phẩm God Bless America lưu trữ tại The Kennedy Center)

4 thoughts on “NƯỚC MỸ VẪN ĐÁNG YÊU

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *