QUÊ HƯƠNG LÀ THÁNH TÍCH

Một buổi chiều trên sông Hằng, khi ghe chúng tôi được chèo ngang qua Harishchandra Ghat, một xác người, có thể là đàn bà, đang được đặt sát mặt nước sông Hằng.

Xác bà được bao bọc kín thật chặt bằng vải trắng ngoại trừ khuôn mặt xanh xao. Bà đã được làm lễ tắm nước sông Hằng hay đang chuẩn bị để làm trước khi được hỏa thiêu. Tôi hỏi người chèo ghe có thể chụp hình. Anh ta trả lời không sao. Nhìn qua ống kính, khuôn mặt người chết xanh xao hiện ra rất rõ.

Khi chúng tôi trở lại, dưới chân Harishchandra Ghat chỉ còn hai giàn lửa. Bên cạnh hai giàn lửa là một thầy tế lễ Hindu đứng trên một bục cao chừng mười mét tính từ bờ sông. Thầy tế lễ đắp y màu đỏ viền vàng dài đến gối, hai tay cầm một ngọn đèn lớn và từng bước quay tròn trong điệu múa nhịp nhàng. Thầy đang làm lễ.

Lời kinh vang trên mặt sông rộng theo gió đưa xa. Giọng thầy trầm bổng như đang hát một bài hát tiễn đưa hương hồn những người ra đi hay cũng có thể đang chào đón những người đang đến trong hành trình vô thủy vô chung.

Bên bờ sông Hằng, không có giàn âm thanh nhưng tiếng tụng kinh của thầy rất lớn làm chúng tôi tưởng chừng như đang phát ra từ một máy phát thanh khá mạnh. Hàng trăm chiếc ghe đang trở về nhiều Ghat khác nhau sau khi dự lễ Ganga Aarti ở Dashashwamedh Ghat, nhưng ngoại trừ nhịp chèo ghe rất nhẹ làm xô động mặt nước sông Hằng, tất cả đều im lặng.

Chung quanh hai giàn hỏa, khá nhiều thân bằng quyến thuộc của những người chết. Tuyệt nhiên không nghe tiếng khóc. Tôi đọc đâu đó rằng trẻ em và phụ nữ không được tham dự tang lễ để tránh khóc lóc làm nặng thêm hành trình của người ra đi.

Đời sống trên sông Hằng, có thể từ nhiều ngàn năm vẫn diễn ra như thế. Một đời sống thuần túy tinh thần, dâng hiến trọn vẹn. Sống và chết, mất và còn, đến và đi đều diễn ra và kết thúc tại nơi đây.

Những tin tức về chiến tranh, hòa bình, tranh chấp quyền lực, danh lợi có lẽ không ảnh hưởng gì đến những người dân Ấn sống dọc sông Hằng.

Không hỏi ai, nhưng nhìn qua cách sống, tôi biết họ hoàn toàn không quan tâm đến việc cách đó vài hôm, một trái bom nổ, được tin là do tình báo Iran đặt, ở thủ đô New Delhi làm bị thương trầm trọng một nhà ngoại giao Do Thái.

Đa số người dân ở đây có thể suốt đời không đi xa. Không có một định nghĩa nào về quê hương mang ý nghĩa trọn vẹn hơn ở đây.

Quê hương là thánh tích, là nơi sinh ra và là nơi để chết.

Trần Trung Đạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *