BAO DUNG TÔN GIÁO
Đầu tháng 5 năm nay tôi đi khám sức khỏe. Sau khi khám xong, bác sĩ hỏi những chuyện liên quan đến sinh hoạt hằng ngày ở hãng, ở nhà của tôi và cuối cùng ông nhận xét “Anh còn tương đối trẻ, không mập phì, không hút thuốc, không uống rượu, cholesterol không cao, tuy nhiên có một điều anh chưa làm tốt lắm.” “Điều gì, thưa bác sĩ”, tôi hỏi. “Anh thiếu tập thể dục”, bác sĩ đáp.
Ông ta cười nhẹ và nói tiếp “
Không có thuốc gì giúp anh giữ gìn sức khỏe tốt bằng tập thể dục.” Tôi đồng ý
và hứa sẽ siêng năng hơn. Bác sĩ bảo siêng năng chưa đủ, ông sẽ giúp tôi tập
theo một phương pháp thích hợp với tuổi tác để qua đó có một thói quen tập thể
dục mỗi ngày. Bác sĩ giới thiệu tôi qua một trung tâm tập thể dục gần nhà.
Đây là một phòng tập thể dục nhỏ với thiết bị giống như hầu hết các phòng tập thể dục khác.
Một cảnh lạ. Bên bờ tường của phòng tập có đặt một tượng Phật và phía dưới chân ngài là một tấm giấy với những câu trích từ Cựu Ước (Genesis) và Tân Ước (John).
Tôn giáo là ngưỡng cửa đi vào thế giới tâm linh. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa có một ngưỡng cửa riêng. Người dân trên các hải đảo xa xôi không tiếp xúc với đời sống mà chúng ta gọi là “văn minh nhân loại” không có nghĩa là họ không có niềm tin tôn giáo. Họ và chúng ta chỉ khác cách thực tập và áp dụng niềm tin tôn giáo vào cuộc sống.
Tôi không biết ai đặt bức tượng Phật bên những câu kinh thánh nhưng tin rằng người đó có một tinh thần hòa đồng và bao dung tôn giáo rất cao. Như chúng ta thấy mọi cực đoan tôn giáo đều đưa đến thảm họa.
Ông hay bà biết kết hợp hình tượng với ngôn ngữ để nói lên tinh thần từ bi và bác ái của hai tôn giáo lớn. Nhờ những người như thế mà nhân loại mỗi ngày gần nhau hơn và thế giới mỗi ngày đẹp hơn.
Một trăm năm trước chắc chắn không có cảnh này. Điều đó cho thấy, bên cạnh những rẽ chia và phân hóa vẫn có những người tìm cách để đến với nhau bằng bao dung và thông cảm.
Liên tưởng đến Việt Nam, tôi ước mong Việt Nam dân chủ trong tương lai sẽ là căn nhà chung của mọi tôn giáo. Các tôn giáo là những dòng suối tình thương, những dòng sông bác ái, hòa vào mạch sống chung của dân tộc, đem lại dòng sinh khí cho quê hương vốn đã bao năm chìm đắm trong hận thù tang tóc.
Các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo của Việt Nam tương lai sẽ là những cột kèo, mái vách gìn giữ cho căn nhà đạo đức Việt Nam mỗi ngày một thêm bền vững. Các ngài sẽ là những bậc thầy đáng kính dạy dỗ cho các thế hệ Việt Nam mai sau được lớn lên trong tình đồng bào ruột thịt, biết yêu thương nhau, bao dung và che chở cho nhau.
Trần Trung Đạo