Chiếc Bánh Pecan
CHIẾC BÁNH PECAN
Những ngày cuối tháng Tư năm nay tôi ở Las Vegas. Tôi đến thành phố cờ bạc này nhiều lần chỉ vì các công ty kỹ thuật hay tổ chức hội nghị ở đây. Lần này lái xe từ Arizona qua và có dắt vợ con theo.
Thứ Bảy vừa rồi ghé ăn trưa ở Bellagio Hotel. Trên quày thức ăn có bánh Pecan. Lấy một chiếc, chụp một tấm hình nhưng không ăn ngay. “Sao anh cứ nhìn hoài mà không ăn”, vợ hỏi. “Anh có kỷ niệm với loại bánh này”, tôi đáp. “Anh có nhiều kỷ niệm quá, chiếc bánh Pecan cũng có kỷ niệm”, vợ nói như than thở.
Ngày mới định cư ở Mỹ tôi xin được một việc làm trong nhà kho của một hãng điện tử. Nhà bếp hay bán bánh Pecan. Trong bữa ăn trưa, mỗi tuần một hai lần, tôi mua thêm một chiếc bánh Pecan nhỏ để ăn tráng miệng. Tôi chỉ thích ăn loại bánh này. Vì lương rất thấp nên ăn tráng miệng cũng là một tiêu chuẩn cao.
Người đàn bà da đen ngồi ở quày tính tiền rất có cảm tình với người Việt tỵ nạn. Bà làm ở nhà ăn chỉ vài giờ một ngày. Dường như hiểu được khó khăn nên khi quen biết nhau bà không tính tiền chiếc bánh. Cũng vì bà không tính tiền nên từ đó tôi không mua bánh Pecan nữa. Bà hiểu và giải thích “Vì tôi làm trong nhà bếp nên không phải trả tiền ăn trưa, chiếc bánh của cậu chẳng qua là tính vào phần bánh tráng miệng của tôi thôi, đừng ngại gì cả”.
Tôi biết đó chỉ là cách nói để tôi an tâm nên cũng không mua bánh. Thỉnh thoảng khi đến phiên tôi tính tiền bà vói tay lấy chiếc bánh Pecan để sẵn bên cạnh máy tính tiền và đặt vào khay thức ăn của tôi. Vì nhiều người còn sắp hàng phía sau, chẳng lẽ đưa qua đưa lại khó coi, tôi im lặng nhận bánh và nói hai tiếng “thank you” rất nhỏ.
Một ngày nọ trong khi trả tiền cho bữa ăn trưa tôi báo cho bà biết thứ Sáu tôi sẽ ngưng làm việc ở đây. Bà tỏ ra xúc động và thắc mắc nếu tôi có đến nhà ăn vào trưa thứ Sáu. “Vâng. Tôi sẽ đến để chào tạm biệt bà”, tôi hứa. “Nhớ nhé”, bà nhắc.
Thứ Sáu tôi phải lo giấy tờ ở phòng nhân viên, ngồi chờ lãnh tuần lương cuối cùng và khi xong mọi thứ, giờ ăn trưa đã hết. Tôi nghĩ giờ này chắc bà đã ra về nên tôi cũng ra về. Khi tới cổng công ty, tôi quay lại và chạy lên nhà ăn lần chót chỉ để chắc là bà đã ra về và mình sẽ không vướng mắc trong lòng về sau khi nghĩ đến.
Nhà ăn vắng hoe vì đã hết giờ nhưng bà già vẫn còn ngồi chờ với chiếc bánh Pecan.
Tôi mừng quá sức và thầm tự khen mình đã biết quay trở lại, nếu không bà sẽ thất vọng biết bao nhiêu. Bà lại tặng tôi chiếc bánh Pecan. Lần này tôi nói cám ơn và đưa tay lấy nhưng không do dự. Tôi chào tạm biệt, chúc bà sức khỏe và mong có dịp trở lại thăm bà. (Sau này tôi có trở lại nhưng bà đã thôi việc từ lâu). Bà chúc tôi học hành giỏi để có công việc tốt.
Bước đến chân cầu thang tôi ngoái đầu nhìn lại, bà còn ngồi đó nhìn về hướng tôi đi như người mẹ nhìn theo bóng con lên đường. Thật cảm động. Một bà già da đen ở Mỹ, một thanh niên da vàng tỵ nạn từ Việt Nam xa xôi gặp nhau trong không gian tình người mênh mông như dải ngân hà.
Trong một bài khác tôi đã viết, dòng đời như sợi tơ dài, những người đã đến và đi nhiều khi không để lại nhiều dấu tích nhưng thiếu họ sợi tơ có thể đã đứt đi một quãng. Họ là những chiếc gút nối lại những hoàn cảnh khó khăn, chiếc cầu bắc qua những chặng thăng trầm và chúng ta nên luôn tri ân họ như cành hoa biết cám ơn những giọt sương mai nhỏ xuống cuộc đời mình.
Trần Trung Đạo