SIM QUẾ SƠN

Trên Facebook của nhà thơ Hồ Yên Dung có đăng hai bức ảnh hoa sim, một còn đang hé nhụy và một vừa mới nở hoa. Tôi xin về nhà vì đó là sim Quế Sơn. Nhìn ảnh hoa sim tôi chợt nhớ những rừng sim ở Quế Sơn, nơi tôi chỉ sống một thời gian ngắn trong những ngày còn rất nhỏ nhưng chẳng hề quên. Màu tím năm xưa vẫn tím trong tâm hồn tôi trong những lúc ôm đàn nghêu ngao hát.

Thời gian trôi trên sông đời đầy ghềnh thác đã hơn nửa thế kỷ nhưng không cuốn trôi theo hết chuyện vui buồn. Ký ức và kỷ niệm gần như còn nguyên vẹn. Những bụi cỏ trong sân trường trung học Duy Xuyên (Sào Nam) vẫn xanh khi mùa xuân đến và những bụi sim Quế Sơn vẫn nở hoa trong mỗi đầu hè.

Hoa sim rất đẹp, khá giống hoa lài nhưng khác màu. Hoa lài màu trắng và hoa sim màu tím. Có lần nhìn những cánh hoa lài, biểu tượng cho cách mạng dân chủ ở Bắc Phi, tôi hình dung đến một ngày như thế ở Việt Nam và nói vui với bạn bè biết đâu Việt Nam sẽ có “cách mạng hoa sim”.

Giống như yêu người, dấn thân vì yêu nước cũng bắt đầu từ lãng mạn. Không ai chọn lựa ngục tù, khổ ải nếu không vì một ước mơ rất thật về những ngày tươi đẹp dành cho các thế hệ mai sau. Nhiều khi người sống bên ngoài song sắt lại cảm thấy cô đơn hơn người sống bên trong song sắt. Người bên trong cùng sống, cùng đi, cùng chịu đựng và cùng hy vọng với nhiều người khác.

Người ta thường phân tích về đặc tính “lãng mạn cách mạng” cũng có lý do. Trường phái lãng mạn là một lối sống và là một phong trào văn chương nổi bật sau Cách mạng Pháp 1789.

Tôi về thăm rừng sim Quế Sơn lúc khoảng sáu hay bảy tuổi. Bác tôi vẫn còn một căn nhà trên đó nên khi về Quế Sơn tôi ở nhà bác. Tôi chỉ đến một lần nhưng ở lại khá lâu. Lên nhà bác phải đi qua cầu Chợ Đụn. Cầu chợ Đụn ngày đó thấp gần sát với mặt nước. Những người đi xe đạp phải xuống xe đi bộ qua. Khác với phần đông bà con thường sống trong xóm, nhà bác tôi nằm sát với tỉnh lộ. Thỉnh thoảng một chuyến xe khách chạy qua tung đầy bụi đỏ. Hình như đó là con đường duy nhất từ ngã ba Hương An, ngang qua quận lỵ và lên tận dãy Trường Sơn.

Sau lưng nhà bác tôi là một rừng sim thấp chạy dài lên tới núi. Quanh nhà không có đứa bé nào cùng tuổi nên tôi chỉ lang thang một mình trên những đồi sim. Còn bé tí nhưng đứng nhìn những đồi sim chập chùng lòng không khỏi lâng lâng.

Quế Sơn còn có làng Nghi Hạ. Tôi không biết gì nhiều về Nghi Hạ, nơi cha mẹ tôi gặp nhau. Cha tôi kể lại rằng ở đó có hàng tre, cha tôi gọi là hàng tre Nghi Hạ. Dưới bóng mát của hàng tre ấy ông và Mẹ Quảng Nam đã gặp nhau, yêu nhau và cưới nhau. Họ cùng nhau dựng lên căn nhà tranh, đúc lò ươm tơ, đóng khung dệt lụa và xây một tình yêu chân thành, mộc mạc bên nhau.

Đêm tân hôn của họ trong thời buổi tản cư không có rượu nồng, pháo đỏ, không nhẫn cưới và vắng đi cả những lời chúc tụng của cha mẹ, của bà con thân thuộc. Họ chúc nhau bằng ly nước nấu từ lá vối. Tôi chưa bao giờ được uống một ly nước vối nhưng nghe bà con nói nhà nghèo thường uống nước vối thay cho nước chè xanh, nước vối hơi chua và hơi chát.

Rượu tân hôn cha thay bằng nước vối
Dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng.

Dù sao, ở đó, trong một đêm huyền diệu của đất trời, những giọt máu của họ đã hòa vào nhau, đã quyện vào nhau, đã đan chặt lấy nhau, đã ôm ấp nhau để rồi sau đó tái tạo nên tôi, tái tạo nên một kiếp con người.

Giọt máu lớn lên và trôi ra biển nhưng không quên mang theo trong tâm hồn cả một rừng sim.

 (Vài đoạn trích trong Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác, viết chung với HT Thích Như Điển)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *