TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA TÌNH CẢM

Một lần đứng nhìn dòng nước vỗ mạnh vào những mỏm đá nhọn trên một con sông ở Hawaii, tôi chợt hình dung sự hy sinh và chịu đựng của những bà mẹ. Con nước tan thành từng mảng nhỏ và bọt nước trắng văng xa. Với người chụp ảnh đó là một cảnh đẹp nhưng nếu tưởng tượng mình là dòng nước mới hiểu được nỗi đau của mẹ khi đưa con ra biển.  Ngoài tình
mẹ, và trong số rất ít người còn có tình yêu tổ quốc, mọi tình cảm khác chỉ là tương đối.

Mẹ tôi mất sớm nên tôi không trực tiếp cảm nhận được tình mẹ nhưng qua cách thương yêu và dạy dỗ của vợ tôi dành cho các con tôi thấm được ý nghĩa câu ca dao “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Hiểu được tính tương đối của tình cảm sẽ làm mình vui khi hạnh ngộ và không quá đau buồn khi phải chia tay.

Tính tương đối của tình cảm giữa người và người trong xã hội rất dễ nhận ra.

Quan hệ xã hội của tôi rất rộng. Có nhiều người thương và cũng không ít người ghét.

Chúng ta khác nhau về chính kiến, về niềm tin tôn giáo, về sở thích, về lối sống, về khả năng, về giàu nghèo v.v.. nên không thích nhau là chuyện bình thường. Vả lại, nếu xã hội chỉ toàn là người lương thiện, bác ái, nhân từ, biết bao dung tha thứ thì đây không còn là thế gian ô trược nữa.

Chỉ mong, dù ghét bao nhiêu cũng nên chừa chỗ để ngày cuối cùng còn thắp cho nhau một nén nhang tiễn biệt.

Ba mươi năm làm thơ, viết văn, hoạt động phong trào, đi đó đi đây, tôi nghe khen nhiều và nghe chửi cũng không ít.

Có lần một người ghét tôi viết bài chửi tôi bằng những ngôn từ ngoài giới hạn của một người biết suy nghĩ.

Một người bạn dù tuổi bằng anh hai tôi chuyển bài chửi tôi đến vài người khác trong nhóm bạn chung của chúng tôi để “đọc cho biết”.Khi góp phần phát tán bài viết anh ấy là tác giả thứ hai của bài viết và trong ý nghĩa đó anh cũng chửi tôi. Có thể anh nghĩ vì không

kèm theo địa chỉ email của tôi, tôi sẽ không biết. Một trong những người nhận được đã chuyển ngược lại cho tôi đọc để “chọn bạn mà chơi”. Tôi buồn vài phút rồi quên đi.

Cho tới nay, tôi vẫn đối xử với anh như không hề biết việc anh làm.

Tôi thánh thiện? Không. Tôi vượt qua được ba ải tham sân si? Không. Tôi tha thứ cho anh? Không. Nhưng bởi   vì, ngoài tình mẹ mọi quan hệ trong xã hội chỉ là tương đối. Anh phát tán bài viết chẳng qua vì anh đồng ý với những điểm viết về tôi. Nếu vậy, khi giao thiệp với anh tôi nên tránh những điểm đó đi. Và tôi tránh.

Quan hệ giữa hai người dù là vợ chồng không phải là hai vòng tròn chồng khít lên nhau mà chỉ là một tập hợp giao. Hãy xem gặp nhau là một nhân duyên dù không ít trường hợp lại là nghiệp báo. Chúng ta sống chân thành và trọn vẹn với nhau trong khoảng chung của tập hợp giao đó.

Tuần rồi đưa bà xã đi chợ ở Dorchester. Trên đường về khi hai vợ chồng nói chuyện trên trời dưới đất tôi buộc miệng “Mai mốt nếu ‘ba’ chết trước ‘mẹ’ không được lấy chồng khác.” “Chết rồi mà còn ghen tương”, bà xã cười ngất. “Không phải ghen tương nhưng vì ngoài tình mẹ, mọi tình cảm chỉ là tương đối. ‘Ba’ có duyên sống với ‘mẹ’ lâu và lo lắng cho nhau nhưng người kế tiếp làm sao biết được.” Tôi cũng cười và đáp.

Trở lại với tình mẹ thiêng liêng. Cuối tháng này sinh nhật con trai và ngày mai cậu sẽ về thăm ba mẹ. Ngày cậu ra trường và nhận việc ở California trong hành lý có tấm hình khi còn bé được ngồi trên vai mẹ đi dạo phố Toronto, Canada. Cậu dùng baức ảnh đó làm ảnh đại diện trên các trang mạng từ FB đến google. Tuổi trẻ có nhiều thứ hấp dẫn, luyến lưu nhưng khi rời nhà cậu con trai chọn mang theo hình mẹ.

Tình cảm của con dành cho mẹ làm tôi cảm động và nhớ lại câu chuyện một thanh niên đi tìm chân lý. Sau khi đã đi suốt bao năm anh mới học được rằng sự thật tuyệt đối không ở đâu xa mà chính là người mẹ. Người đàn bà mang đôi dép ngược vì quá vội vã và đắp chiếc mền rách chạy ra mở cửa khi nghe bước chân quen thuộc của con mình về chính là chân lý.

Tôi rất vui khi biết con mình không đọc chuyện người xưa mà hiểu được giá trị của tình mẹ. Cậu mang mẹ đi theo như một cách trở về. Con nước phải trôi xa nhưng không quên nguồn cội.

Trần Trung Đạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *