Tống Mai: Chính Luận Trần Trung Đạo và Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác
Tôi viết bài này không để quảng cáo sách cho anh Trần Trung Đạo mà chỉ để nói về một người được sự thuơng mến của rất nhiều đồng huơng, xa hay gần, quen hay lạ. Nếu gặp Trần Trung Đạo thì sẽ hiểu tại sao không phải chỉ mình tôi dành một quí mến đặc biệt đối với người anh này. Chỉ mỗi chữ “Trung Đạo” mang chất Bát Nhã trong bút hiệu của anh cũng đã làm ta chú ý.
Đây là một nhà văn, nhà thơ, một nghệ sĩ, một giọng hát, một giọng ngâm thơ, một đầu óc chính trị chín chắn tâm huyết sôi nỗi với quê hương. Một tâm hồn đa dạng, nhưng nếu hỏi điều đầu tiên tôi muốn nói về Trần Trung Đạo, tôi sẽ nói về anh như một nhà văn, nhà thơ của tình người và dân tộc.
Gần đây, anh viết toàn về chính trị và mặc dù cũng bị cuốn vào những bình luận sâu sắc của anh, bị nhiểm nơi anh cái hy vọng quê hương rồi sẽ có một ngày mai tươi sáng, nhưng khi nhắc đến anh, tôi vẫn nhớ đến một con người của văn thơ. Khi “Chính Luận” ra đời, nghĩ mình sẽ không nghiền ngẩm nó kỷ lưỡng và nhiều lần như đã từng nghiền ngẩm những tác phẩm văn chương trước của anh, nhưng thật là lầm, dù thuần túy chính trị nhưng “Chính Luận” vẫn lồng trong đó tâm hồn chất đầy thơ của anh.
Muốn viết về anh đã lâu nhưng chưa gặp duyên, nên khi nghe anh xuống Washington DC để giới thiệu Chính Luận, tôi nghĩ mình có thể viết mà không thấy lạc lõng dù biết viết mấy cũng bằng thừa khi đã có quá nhiều tên tuổi viết về anh.
Hôm đó thứ Bảy, hai ngày sau Sept 11, trời mưa lớn, nhưng hội trường nhỏ nơi anh ra mắt sách trong một trường trung học ở Falls Church, Virginia thu hút hơn 250 người đến dự, có nhiều người đến từ những tiểu bang khác. Và quí thay, sách “Chính Luận” bán sạch, người mua ào ạt làm tôi dù cố gắng như chong chóng nhưng vẫn trở tay không kịp. Người ta thương mến anh thấy rõ, họ thương cái uyên bác và cái bình dị đáng mến của anh, thương người đã viết bài thơ bất hủ “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười”. Nhìn anh ngồi ký tặng sách liên tục không nghỉ mà ái ngại, hôm đó anh bị cảm nặng, cơn sốt hiện rõ trên mặt, nhưng không dám nói mình rất bệnh. Buổi nói chuyện chấm dứt sau ba tiếng rưởi đồng hồ, nhưng người ta vẫn níu kéo không cho anh về.
Trần Trung Đạo và Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười
Mai, anh Trần Trung Đạo, GS Nguyễn Ngọc Bích
Thơ văn của anh lãng vãng hình bóng mẹ, những chiếc lá rơi hay ngôi chùa cưu mang anh ở Hội An thuở cơ hàn. Mẹ và chùa, còn hình ảnh nào đẹp hơn. Những bài thơ, bài viết của anh, có bài, có câu làm rơi nước mắt. Anh viết nhẹ như thơ, hay đến lặng người, đầy cảm xúc và gởi gắm cho nên có một mãnh lực kết “nối lòng người vời vợi cách xa nhau.” Ít ai đọc thơ anh mà không khỏi xúc động, mà không khỏi thấy lòng mình mở rộng bao dung.
Cuộc đời mồ côi từ bé của anh có lúc phải trôi nổi trà trộn với đám trẻ bụi đời, có lúc lại được trọ học trong chùa thuở nghèo khó nên thơ anh có nhiều hình ảnh chiếc lá. Anh ví cuộc đời mình như một chiếc lá bay. Hãy nghe anh viết, “…số phận của chiếc lá gắn liền với câu chuyện đời tôi. Ngày xưa khi trọ học ở chùa Viên Giác, tôi nhỏ nhất trong chùa nên được giao công việc quét lá. Anh Hùng gánh nước, anh Sáu tưới rau, chú Ngô đi chợ, còn tôi không làm được những chuyện đó nên chỉ lo làm sạch sân chùa. Không ai có phòng ngủ riêng. Năm đầu tôi ở chung phòng với chú Điển, bây giờ là Hòa Thượng Thích Như Điển. Mấy năm sau tôi dọn sang ở với các chú điệu cùng lứa tuổi trong căn phòng sát dưới gốc đa. Các chú điệu rất vô tư. Nằm xuống là ngủ ngay. Đúng giờ thức dậy đi tụng kinh khuya. Tụng kinh xong lại đi ngủ tiếp. Các chú hoạt động tự nhiên như những chiếc máy. Ít cười và ít nói. Tôi cũng cùng tuổi nhưng không như các chú điệu, đêm nào khi tới phiên mình đánh chuông xong, tôi thường nằm bên hiên chùa nghe tiếng lá reo. Nhất là mùa thu, tiếng lá rung như một điệu nhạc … và ở đó tôi lớn lên. Lớn lên trong tiếng chuông chùa nhẹ đưa vào đúng 5 giờ sáng mỗi ngày. Lớn trong những lời Phật dạy “Hãy bao dung và tha thứ” đi nhẹ vào tâm hồn ngây thơ trong trắng của tôi. Lớn lên trong tiếng lá đa xào xạt suốt mùa thu viết vào hồn tôi những vần thơ buồn, mãi ba mươi năm sau mới dần dần kết tụ. Và tôi cũng lớn lên dưới ánh sao của những đêm hè nằm nghe tuổi hoa niên thổn thức.”
Tôi gởi hai bài viết, Cây Đa Chùa Viên Giác và Nhật Ký Ngày Giỗ Cha trích trong “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác” rất Trần Trung Đạo của anh về tuổi thơ và tuổi trẻ u buồn của mình vang vọng tiếng chuông chùa từ sau cây đa cỗ gắn bó suốt đời.
Tống Mai
Virginia, Sept 21, 2014