TIỄN BIỆT BẠN LÊ TRUNG KHIÊM

Mấy ngày qua ít vào Facebook. Sáng nay thức dậy thật quá bất ngờ khi đọc tin bạn và nhà thơ Lê Trung Khiêm qua đời ngày 28 tháng 1, 2023 tại California, thọ 67 tuổi.

Biết Khiêm có bệnh trong người từ lâu nhưng vẫn còn khỏe, đi chơi vài nơi, có nơi rất xa và vẫn còn cafe với bạn bè khi gặp mặt.

Tháng 6, 2017, lần đầu sau hơn 40 năm, ba đứa, Khiêm, Các và tôi, mới có dịp đi uống cafe với nhau. Lần này trong một quán ở khu Bolsa chứ không phải Cafe Hân ở Đinh Tiên Hoàng, Cafe “Lương Sơn Bạc” ở góc Tô Hiến-Thành Lê Văn Duyệt hay “Cafe bà Vú” ở cổng trường Vạn Hạnh trước đây.

Khiêm học ở Văn Khoa và học Báo Chí ở Vạn Hạnh. Cậu có chiếc xe PC50 màu xanh lá cây. Mỗi chiều, tôi thường theo bạn xuống phố, có khi coi ciné, có khi nghe nhạc, nhiều nhất vẫn là đi uống cafe.

Tôi chơi thân với nhiều nhóm bạn khác nhau. Nhóm chơi với Khiêm tôi gọi là “nhóm Triết”. Tôi học khoa học xã hội rất nặng về kinh tế, chính trị, trong khi Khiêm học báo chí và văn khoa. “Vốn liếng” về Triết của tôi là do nghe lỏm được từ Khiêm và các bạn khác cùng khoa.

Ngày đó tôi chưa “ồn ào” như bây giờ. Trong những buổi cafe, tôi thường ngồi yên chăm chú lắng nghe Khiêm và các bạn thảo luận về Kant, Nietzsche, Foucault v.v… Khi đọc một cuốn sách hay về một đề tài nào mới các bạn thường đem ra thảo luận. Vài năm trước 1975, Sài Gòn có phong trào mang ít nhiều tính thời thượng, hướng ngoại là đọc sách dịch. Không chỉ trong lãnh vực tư tưởng mà cả truyện ngắn, truyện dài, sách về Thế Chiến Thứ Hai v.v.. cũng được dịch từ các tác giả nước ngoài. Chúng tôi thường thảo luận về các tác phẩm ngoại quốc nhiều hơn là Việt Nam.

Hai bác, ba mẹ của Khiêm, có căn nhà trong xóm và chúng tôi thường tụ tập ở đó hát hò. Phần lớn là hát nhạc Cung Tiến. Một người bạn của Khiêm hát bài Nguyệt Cầm rất hay nên khi hẹn nhau tôi gọi căn nhà đó là Nguyệt Cầm cho dễ nhớ.

Buổi chiều cuối tháng 6, 2017 ở Nam California, bạn bè ngồi kể lại những buổi cafe, những đêm “Nguyệt Cầm” giống như nhắc lại chuyện vừa xảy ra tuần rồi hay nhiều lắm là tháng trước chứ không phải đã hơn bốn chục năm.

Tóc Khiêm bạc trắng. Tóc tôi cũng bạc nhiều nhưng khi còn đi làm vài tháng lại nhuộm một lần. Nay thì không nhuộm nữa.

Khiêm viết cho bốn người bạn thời xanh tóc, trong đó có tôi:

Quen nhau từ thuở còn xanh tóc|
Năm tháng tàn phai tóc trắng rồi
|Có kẻ xênh xang, người thất chí
Trượng phu sao đời bạc như vôi. !

Dăm đứa bặt tin từ độ ấy
Hỏi ra thiên cổ nấm mồ xanh
Bao huyễn mộng chìm theo sương khói
Kiếp người như bọt sóng tan nhanh.

(LKT)

Trong một ‘stts’ viết cho Khiêm trên Facebook khi trở lại Boston, tôi mong Khiêm “hãy sống để còn gặp lại nhau”.

Nhưng không, sáng nay thức dậy đọc tin Khiêm qua đời. Chúng tôi khoảng cùng một tuổi. Khác chăng Khiêm ra đi trước tôi còn ở lại đây một thời gian nữa chưa biết bao lâu.

Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau trong thời đại học. Hôm nay, kẻ còn người mất nhưng kỷ niệm thì không. Kỷ niệm không chết và cũng chẳng già. Kỷ niệm tuổi hai mươi vẫn còn đó trong ngăn kín của tâm hồn và sẽ thức dậy khi tiếng chuông tình người báo hiệu.

Ngày chia tay ở Sài Gòn chúng tôi nghĩ có thể chẳng còn lần nào gặp lại. Nhưng chúng tôi đã gặp lại. Tuy không gian và thời gian khác rất xa, tiếng cười vẫn rộn rã như xưa.

Rồi một mai khi tôi ra đi, kỷ niệm của chúng tôi như hai giọt nước bay theo mây trời mênh mông và sẽ hẹn nhau đâu đó một lần hay nhiều lần nữa.

Bài thơ Khiêm viết tặng tôi sau buổi cafe trong ngày gặp lại ở xứ người:

những khoảnh khắc
ấm áp
khi gặp lại
những người bạn cũ
những câu chuyện của một thời
chiến tranh, hiện sinh, nỗi chết
như vừa mới hôm qua
mà đã gần nửa thế kỷ trôi…

nhận sách mới của TTĐ
với tựa đề
làm nhớ đến
bài thơ cũ cách đây hơn 4 thập niên.

“vâng,
tôi là một quả mìn
tham dự vào cuộc chiến tranh
giữa cái sống và sự chết,
giữa sợ hãi và hy vọng,
giữa tin yêu và chán chường.”

tôi đang qua bến đời nào
Hà Nội hay Sài Gòn đêm,
hay vực thẳm chuếnh choáng cơn say?

KLT

Tạm biệt và thương nhớ bạn Lê Trung Khiêm

Trần Trung Đạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *