ĐÃ ĐI VÀ ĐÃ ĐẾN

Chúng tôi gặp họ dưới chân chiếc cầu thang gỗ từ mặt đất quanh co lên tới suối nước nóng trên đỉnh đồi đá. Nhìn cử chỉ và cách nói nhỏ nhẹ với người ngồi trong xe lăn, chúng tôi đoán họ là hai vợ chồng già đưa người con trai bị thương tật đi ngoạn cảnh Yellowstone.

Chúng tôi không để ý họ đến bằng cách nào. Chàng trai ngoài ba mươi tuổi, khá mập, trông mạnh khỏe chỉ hai chân bị bại phải ngồi trên xe lăn. Cha mẹ của anh ta khoảng bảy mươi tuổi, già và ốm yếu. Người cha đẩy xe, mẹ đi trước chụp hình.

Địa điểm này được gọi là Mammoth Hot Springs ở Yellowstone National Park.

Khi vợ chồng tôi trở lại thì họ đã ra về. Bức ảnh tôi chụp từ khoảng cách khá xa cho thấy nơi họ dừng lại.

Tôi bận chụp hình không để ý nhiều nhưng vợ tôi thì nhìn kỹ hơn và cứ cảm thấy tội cho họ đã vất vả đi tới đây mà không lên được đỉnh đồi đá để nhìn suối nước nóng Mammoth nổi tiếng.

Nơi họ dừng lại là điểm cuối dành cho xe lăn. Dù sao họ có đủ góc rộng để nhìn toàn cảnh của Mammoth Hot Springs mà không phải đi lên cao nữa.

Con người thường đổ thừa số phận cho hoàn cảnh của mình. Quan điểm “con vua thì được làm vua” cho tới nay vẫn còn in đậm trong nhận thức của nhiều người. Họ xem những đe dọa, bất công, áp bức tự nhiên như bốn mùa xuân hạ thu đông. “Trời hành cơn lụt mỗi năm”, con người chẳng làm gì khác hơn được ngoài than thở. Không, “thiên tai” hay “nhân tai” đều có thể được đối phó một cách thích nghi. Ngày nay các kỹ thuật phân tích dữ liệu đã rút ra nhiều kết luận sớm về các biến cố thiên nhiên như bão, lụt, lở đất, động đất v.v…

Hai vợ chồng và người con trai bị thương tật không ngồi nhà để than vãn và chấp nhận số phận dành cho họ. Họ đã đi và đã đến.

Cây cỏ các National Park Mỹ ở Utah và Arizona là một bài học về vươn lên. Với lượng nước mưa quá ít trên sa mạc khô cằn, chúng có đời sống khắc nghiệt hơn ở bất cứ một nơi nào khác. Nhiều cây không chịu đựng nỗi phải chết khô nhưng cũng có khá nhiều cây sống. Nhờ sự vươn lên của thông cha, thông mẹ nên bên cạnh chúng có những cây thông con đứng thẳng. Chúng rắn chắc và bền bỉ.

Vợ tôi nhắc tôi coi những bông hoa xương rồng vẫn đứng an nhiên dù ngoài trời đang gió lớn. Tôi thu một đoạn phim và đồng ý với vợ khi thấy những bông hoa không run rẩy chút nào. Có thể chúng đã làm quen với gió và đang lấy cơn gió làm niềm vui thay vì sợ hãi. Chúng hóa giải những thách thức để trở thành nguồn cảm hứng cho cuộc sống của mình.

Nhìn vào hoàn cảnh của một người có khi chúng ta chạnh lòng trắc ẩn và nghĩ họ đang đau khổ. Nhưng không, với họ đó là một ngày hạnh phúc. Trên đường về họ sẽ vui kể lại cho nhau nghe về một ngọn núi, về một suối nước nóng mà họ vừa xem. Nét đẹp của Yellowstone trong tầm mắt của họ sẽ khác với nét đẹp trong tầm mắt của vợ chồng tôi nhưng đều rất đẹp. Đến gần quá nhiều khi không thấy hết.

Chúng ta may mắn hơn cha mẹ già đẩy con lên cầu thang gỗ kia nhưng cũng đừng quên chỉ may mắn tới giây phút chúng ta đang nói, đang viết hay đang đọc, không ai biết ngày mai hay thậm chí giây phút tới sẽ ra sao.

Nhân Duyên mang chúng ta đến gần nhau trong cuộc sống này, dù vợ chồng, con cái trong gia đình, tình yêu, tình bạn hay chỉ là quen biết. Hãy sống và cư xử với nhau bao dung và từ ái vì có thể trong chốc lát mưa bão sẽ qua đây và đời mình sẽ khác.

Trần Trung Đạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *