Biết Ơn Người Đi Trước: Trung Tướng Lâm Quang Thi

Những năm trong thập niên 1990, ngoài việc tham gia khá thường xuyên các trại sinh hoạt của thanh niên, sinh viên, thỉnh thoảng tôi còn được mời để nói chuyện với tư cách một người trẻ tại các sinh hoạt cộng đồng. Một trong những lần như thế ở San Jose, tôi đến để trình bày chủ đề tuổi trẻ hải ngoại và văn hóa Việt trong một dạ tiệc của cộng đồng.

Chương trình khá dài và tôi được sắp xếp nói ở cuối của phần đầu trước khi chuyển sang phần dạ vũ. Ban tổ chức cố gắng hết sức để giữ không khí im lặng cho các bài phát biểu nhưng hình như chẳng mấy ai nghe. Thật cũng không thể trách được. Dạ tiệc thì ở đâu cũng vậy, rất ồn ào.

Một chị trong quan khách đọc tờ chương trình và biết tôi sắp lên nói nên lại gần hỏi nhỏ bài nói chuyện của tôi dài khoảng bao lâu. Tôi trả lời khoảng 20 đến 30 phút. Chị đề nghị có thể cắt ngắn chút không vì trời đã khuya và rất đông người chờ dạ vũ. Tôi trả lời chị tôi từ Boston xa xôi đến để thuyết trình nhưng vì chị yêu cầu tôi sẽ cắt ngắn. Thật ra, trong giờ phút đó, nói ngắn hay nói dài cũng chẳng khác nhau.

Khi tôi bước lên, đâu đó vài tiếng vổ tay khuyến khích của ban tổ chức. Dù sao tôi vẫn phải nói. Tôi nói về sự hình thành của tuổi trẻ ở hải ngoại, dù thế hệ đã trưởng thành như chúng tôi hay thế hệ “ăn hamburger, học tiếng Mỹ, xem chương trình TV Mister Rogers’ Neighborhood” cũng đều có nhu cầu được trau dồi văn hóa Việt. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc và phải được giữ gìn. Nếu không, khoảng cách theo thời đại sẽ dài và xa  hơn cho đến một ngày có thể mất đi.

Tôi để ý mấy trăm khách ngồi trước mặt hình như chỉ có một người ngồi trên bàn bên trái là lắng nghe tôi nói. Vài phút sau khi tôi xong phần chào hỏi, ông đứng dậy nhích chiếc ghế đang ngồi tới gần bục nói chuyện và ngồi xuống tiếp tục nghe. Ông ngồi gần tôi đến mức tôi và ông có thể nói chuyện với nhau không cần micro. Mà thật vậy, bài thuyết trình của tôi chỉ có một người nói và một người nghe.

Khi tôi phát biểu xong, ông đứng dậy lại gần niềm nở bắt tay tôi. Ông cầm tay tôi khá lâu và lúc đó tôi mới nhận ra vóc dáng thật cao của ông. Ông tự giới thiệu là Lâm Quang Thi. Tôi đọc sách nhiều nên biết ra ngay. Ông dắt tôi lại giới thiệu với quan khách trong bàn ông ngồi. Tôi nhớ tối đó có tướng Bùi Đình Đạm và tướng Trần Văn Nhựt. Tướng Lâm Quang Thi hỏi han nhiều việc tôi đang làm và khuyến khích tôi tiếp tục viết.  Rồi chúng tôi chia tay. Không ai hứa hẹn gì. Tôi không biết nhảy đầm nên lấy xe về lại khách sạn khi dạ tiệc còn tiếp tục.

Trên đường về hình ảnh vị tướng ngồi lắng nghe tôi nói hiện rõ trong tâm trí.

Một niềm vui và niềm kính trọng dâng lên trong lòng. Tôi vui vì khoảng cách tôi lo sẽ xa dần vừa được nối lại và những giá trị văn hóa lịch sử tôi lo sẽ mất đi dần, thật ra, vẫn còn. Tôi kính trọng vì ông đại diện cho một thế hệ đã làm hết sức mình cho quê hương trước 1975 nhưng khi qua xứ người vẫn không quên nhìn xuống những người trẻ chúng tôi. Những năm sau đó, tôi nhận được nhiều bài bình luận thời cuộc bằng tiếng Việt và tiếng Anh của ông gởi chung qua một mạng lưới và qua đó học những nhận xét quý giá của ông về nhiều vấn đề quốc tế từ cương vị của một tướng lãnh nhiều kinh nghiệm.

Tôi học ở ông mối quan tâm về tuổi trẻ đó nên trong suốt hành trình tôi luôn để ý những người trẻ và tìm mọi cách để giúp cho tuổi trẻ vươn lên. Không ít trong số họ đã từng vấp ngã nhưng tôi thường khuyên điều quan trọng là biết đứng dậy để tiếp tục đi, tiếp tục vươn lên.

Hai mươi lăm năm sau.

Tuần rồi, tôi được anh Trần Trung Tín thuộc Ban Biên Tập trang Đặc San Lâm Viên online dslamvien.com tặng tác phẩm “Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Theo Dòng Lịch Sử”.

Tôi được tặng sách khá nhiều nhưng chưa hề thấy một công trình tập thể phong phú và đầy đủ như thế. Tôi gọi tác phẩm là kỷ vật lịch sử của các bậc cha chú để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai. Chứa đựng trong trên 800 trang khổ lớn bìa dày là một lịch sử dài của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam với rất nhiều bài viết, nhiều hình ảnh màu, nhiều câu chuyện bi hùng.

Bài đầu tiên của tác phẩm “Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Theo Dòng Lịch Sử” là lời nói đầu của Trung Tướng Lâm Quang Thi, cựu chỉ huy trưởng của trường từ 1968 đến 1972.

Tôi nhìn bức ảnh của trung tướng và nhớ lại vị tướng đã ngồi lắng nghe một người trẻ nói chuyện khoảng 25 năm trước.

Có thể ông đã quên vì đó là cách đối xử tự nhiên của ông đối với mọi người, nhưng tôi thì không. Với tôi và có lẽ nhiều bạn khác trong thế hệ chúng tôi, những ánh mắt, những nụ cười, những trao gởi ân cần của các bậc cha anh vô cùng quan trọng và rất khó quên. Tương lai nào mà chẳng bắt đầu từ quá khứ. Chúng tôi không sống trong quá khứ nhưng chắc chắn phải biết chọn lọc, chắt chiu những điều tốt đẹp và phát huy chúng mỗi ngày tốt đẹp hơn.

Lịch sử dân tộc như một dòng sông, không phải bao giờ cũng chảy êm đềm mà có rất nhiều khi phải chảy đầy chịu đựng qua ghềnh thác nhưng luôn luôn chảy. Một dòng sông không chảy không còn là dòng sông nữa mà chỉ là ao tù và nước đọng.

May thay, dòng sông lịch sử Việt từ sông Dương Tử ngày nào vẫn chảy đến hôm nay và sẽ chảy cho đời đời còn lại. Những quan tâm của một vị tướng dù chỉ vài phút lắng nghe tâm sự của một người trẻ trong một dạ tiệc hay để lại một kỷ vật lịch sử như tác phẩm “Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Theo Dòng Lịch Sử” đều vô cùng quý giá. Các thế hệ Việt Nam đang lớn ở quê người hay quê nhà đều nên học, nên đọc để biết ơn, để vượt qua và để vươn lên.

Cám ơn Trung Tướng Lâm Quang Thi.

Trần Trung Đạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *