JAWAHARLAL NEHRU ĐÃ BỊ MAO TRẠCH ĐÔNG LỪA NHƯ THẾ NÀO?

Mike Pompeo giữ chức vụ ngoại trưởng Hoa Kỳ cách John Foster Dulles, một ngoại trưởng khác của Hoa Kỳ, 67 năm.

Thời gian xa nhưng cả hai ngoại trưởng cùng có một tầm nhìn khá giống nhau về một yếu tố cần thiết để giữ thế cân bằng các lực đối trọng tại Á Châu, đó là vai trò của Ấn Độ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy).

Không ngạc nhiên khi Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuy đã được bàn trong giới phân tích và hàn lâm từ hơn mười năm trước đã được chính quyền Donald Trump bổ sung thêm hai đặc tính “tự do” và “mở” (free and open Indo-Pacific), theo đó các thành viên hợp tác sẽ đối xử theo cam kết và luật định quốc tế.

Rõ ràng chiến lược này nhằm tạo một đối lực thông qua các liên minh đa diện giữa Mỹ và các đồng minh Á Châu, cụ thể là Ấn Độ, quốc gia có dân số 1.3 tỉ người, để đáp ứng với chính sách bành trướng vô luật pháp của Trung Cộng (TC) cũng có dân số 1.3 tỉ người.

Điều này đã được John Foster Dulles hình dung ra 67 năm trước trong thời Jawaharlal Nehru (1889-1964) là thủ tướng Ấn. Nhưng Nehru thì không thấy. Tầm nhìn hạn hẹp của Nehru là nguyên nhân của một chuỗi những sai lầm và thất bại đắng cay.

Những bài học bang giao quốc tế của Ấn Độ thời Jawaharlal Nehru thỉnh thoảng được đem ra như một nhắc nhở cho các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ thời nay.

Bài học đó có thể tóm tắt bằng câu vắn tắt sau đây: Đừng bao giờ tin lời hứa của những kẻ độc tài.

Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là một chính khách Ấn Độ nhân cách, đức độ, yêu nước, yêu hòa bình và yêu dân chủ, nhưng có quan điểm đối ngoại đầy hoang tưởng, khuynh tả, đặc biệt qua lập trường đối với TC.

Những sai lầm chính trị của Jawaharlal Nehru không những để lại hậu quả thua trận trong chiến tranh với TC năm 1962, xung đột biên giới kéo dài từ đó cho tới hôm nay, số phận đau thương của Tây Tạng mà còn làm mất đi cơ hội ngàn năm một thuở để Ấn Độ trở thành hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau khi TC chiếm toàn lục địa.

Sau khi giành được độc lập 1947, thay vì xây dựng một hệ thống quốc phòng vững mạnh với vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu từ hai triệu rưỡi thanh niên Ấn vừa chiến đấu trong Thế Chiến Thứ Hai, Nehru dành hết thời gian đi khắp nơi để rao giảng một chủ nghĩa hòa bình, sống chung với nhau trong một thế giới đầy tình huynh đệ bất kể chế độ chính trị và tham vọng gì trong tương lai.

Nhắc lại. Sau khi chiếm lục địa chính sách đối ngoại của Mao sau 1949 là gây ảnh hưởng và gia tăng vị trí của TC trên trường chính trị thế giới.

Muốn được vậy TC phải che giấu bộ mặt thật của mình bằng chiếc mặt nạ nhân hậu, hòa hoãn, yêu chuộng hòa bình.

Năm nguyên tắc “Sống chung hòa bình” được Mao đề ra gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, (2) không xâm lược nhau, (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, (4) bình đẳng và cùng có lợi, (5) cùng chung sống hòa bình.

Nehru dễ dàng rơi vào “chiếc bẫy hòa bình” này của Mao Trạch Đông.

Nehru ký hỏa hiệp Năm Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình với TC 1954, tức khắc theo sau đó Ấn Độ công nhận chủ quyền Tây Tạng thuộc về TC. Đó là cây đinh cuối cùng đóng xuống quan tài của quốc gia nhỏ bé vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nehru đã dập tắt mọi cơ hội đứng lên của Tây Tạng trong thời kỳ đó.

Theo sử gia Claude Arpi, tác giả nhiều tác phẩm về Tây Tạng trong đó có Tibet: The Last Months of a Free Nation, chính Nehru vào năm 1950 đã cung cấp gạo cho các lực lượng TC chiếm đóng Tây Tạng. Quân TC không thể cướp gạo cơm của dân Tây Tạng vì người Tây Tạng không ăn cơm. Thực phẩm chính của họ là bánh bột Tsampa.

Một ngây thơ ngoài tưởng tượng của Nehru là từ chối ý định của Hoa Kỳ để Ấn trở thành Hội Viên Thường Trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thay thế cho Trung Hoa Dân Quốc đã bị TC đánh bại.

Không những thế chính Nehru còn tích cực ủng hộ TC vào LHQ và kiêm luôn cả vai trò Hội Viên Thường Trực Đồng Bảo An LHQ.

Theo tiết lộ của bà Vijaya LakshmiPandit, chị ruột của Nehru và cũng là Đại Sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles có ý định mời Ấn Độ vào Hội Đồng Bảo An LHQ.

Thay vì bắt lấy cơ hội hiếm hoi này, Nehru trả lời cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles : “Đó sẽ là một sự sỉ nhục rõ ràng đối với Trung Quốc và nó có nghĩa là một phần nào đó sẽ làm rạn nứt giữa Ấn và Trung Quốc …Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép để Trung Quốc (TC) gia nhập LHQ và Hội Đồng Bảo An.” (Theo “Not at the Cost of China: New Evidence Regarding US Proposals to Nehru for Joining the United Nations Security Council, Wilson Center, 2015”).

Mãi cho đến khi thất bại cay đắng trong chiến tranh với TC 1962, Nehru mới thấy được bộ mặt thật của Mao Trạch Đông nhưng đã quá muộn màng.

Tây Tạng, vùng trái độn chiến lược nằm lót giữa biên giới phía bắc của Ấn Độ và TC, đã là đất TC. Cho đến khi qua đời Thủ tướng Nehru vẫn còn mang mối hận “bị Mao đâm sau lưng”.

Các sự kiện lịch sử có thể không lặp lại một cách chính xác như đã xảy ra nhưng, ngoại trừ các bậc thánh nhân, suy nghĩ của con người dù thời đại nào thì vẫn không thoát ra khỏi những khuôn khổ, ước lệ và kinh nghiệm sống của con người.

Mối hận của Nehru là bài học cho những ai có trách nhiệm với sự thịnh suy của đất nước trước tham vọng của Tập Cận Bình ngày nay.

Trần Trung Đạo

One thought on “JAWAHARLAL NEHRU ĐÃ BỊ MAO TRẠCH ĐÔNG LỪA NHƯ THẾ NÀO?

  • December 16, 2020 at 6:25 pm
    Permalink

    Nhà bình luận Trần Trung Đạo có một nhận định chính xác về Thủ tướng Ấn Độ Nehru. Sau Nehru của Ấn Độ, nhiều tổng thống, chính trị gia của Hoa Kỳ cũng sai lầm (có khi còn tai hại hơn Nehru) khi cho Trung Cộng được Bình Thường Hóa với Mỹ và Tây Phương.
    Từ đó chúng ta thấy TT Trump đã sáng suốt bẻ gảy ý đồ xâm lược Toàn Cầu của TC.
    Xin share bài nầy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *