Nhà thơ Thái Tú Hạp: VÀI NÉT VỀ CÕI THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO

Bốn mươi năm lưu vong nơi đất khách, chúng ta có cảm tưởng như thời gian trôi quá nhanh so với tuổi đời hữu hạn. Bốn mươi năm thừa khả năng tạo nên những thế hệ trưởng thành từ trong nước cũng như trên những phần đất tự do mà chúng ta may mắn định cư khắp cùng thế giới. Nhìn lại những cuộc hành trình đầy máu và nước mắt của một giai đoạn lịch sử chập chùng bi thảm trên quê hương, đôi khi cố quên một quá khứ trầm thống u buồn. Nhưng cuộc chiến mang ý nghĩa bảo vệ lý tưởng tự do là những vết thương nhức nhối trong tim óc hình thành nên lịch sử, ghi dấu đậm nét qua những tác phẩm văn học nghệ thuật thách đố với tử sinh. Những dấu ấn đau thương kinh hoàng không chỉ riêng cho người Việt Nam, mà còn là đề tài sâu sắc đầy xúc cảm, gợi hứng cho những nhà văn, nhà báo, nhà làm phim ảnh quốc tế qua cái nhìn của nạn nhân, của chứng nhân lịch sử, tạo nên những nét phong phú đóng góp cụ thể những kinh nghiệm quý báu cho những công trình nghiên cứu về chính trị, quân sự, chiến thuật và chiến lược toàn cầu của một thời điểm khá bi đát của cuộc chiến liên hệ đến Hoa Kỳ. Cũng chính từ cuộc chiến này, cho đến nay chưa dứt một vấn nạn tâm bệnh dai dẳng không xóa được trong tâm khảm những người còn hệ lụy tâm thức sầu đau. Vì chưa hoàn tất sứ mệnh bảo vệ Tổ Quốc thân yêu.

Cho dù tâm thức phóng lên từ một góc độ nào trên thế giới. Những nhà thơ, nhà văn ly hương vẫn tiếp tục phát huy những sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam đầy tính nhân bản, dân tộc và khai phóng. Văn chương trong những trường hợp này không còn là chuyện “mua vui cũng chỉ một vài trống canh” hay là chuyện khi trà dư tửu hậu, mà nó đã trở thành lửa chuyển về quê hương nghiệt ngã khổ đau. Nung nấu tinh thần bất khuất, nêu cao hào khí người Việt nơi quê người. Trong niềm tin yêu đó, tôi đã đi vào cõi thơ Trần Trung Đạo từ nhiều năm trước đây. Tôi không ngờ thơ ông đã già trước tuổi. Trong thơ Trần Trung Đạo, dày dạn những chứng tích của một tráng sĩ kiêu hùng rong ruổi bạt ngàn, thấp thoáng hình ảnh dũng tướng Lý Thường Kiệt vừa làm thơ vừa điều binh đuổi giặc:

Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư…

và những đường gươm tuyệt chiêu của tướng Trần Quang Khải tạo nên chiến công lừng lẫy:

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái Bình tu nổ lực

Vạn cổ thử giang san…

Thi phẩm đầu tay “ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI”, Trần Trung Đạo đã dành hơn một nửa đề cập đến Mẹ và Quê Hương. Trong thời điểm thập niên 90, những bài thơ viết về Tình Mẹ của Trần Trung Đạo quả thật đã vượt trội và xuất sắc nhất trên thi đàn hải ngoại theo nhận định chủ quan của tôi. Thơ Trần Trung Đạo đã tạo nên những xúc động mạnh mẽ khi đề cập đến Mẹ là “Kỳ Quan Tuyệt Vời Nhất” trong trái tim nhân loại.

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

Tiêng ai như tiếng lá thu rơi

Mười năm Mẹ nhỉ, mười năm lẻ

Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn

Bên đồi gió tạt với mưa tuôn

Con đi góp lá nghìn phương lại

Đốt lửa cho đời tan khói sương…

Đừng khóc Mẹ ơi hãy ráng chờ

Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ

Đau thương con viết vào trong lá

Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

Ví mà tôi đổi thời gian được

Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười…

(Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười)

Bên cạnh những bài thơ mang nỗi khắc khoải về tình người, tình quê và thân phận lưu vong nơi xứ người, thi sĩ Trần Trung Đạo cũng đã chinh phục nhiều cảm tình đối tượng yêu thích thơ ông ở khắp nơi trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lưu vong.

Qua đến thi tập Thao Thức vẫn như dòng thác đổ xuống vực thẳm, vẫn con đường thắp lửa, vẫn trái tim nguyên thủy hào khí, vẫn niềm tin hướng đến mặt trời. Văn hào Albert Camus đã khẳng định: “Nghệ thuật chỉ có một sứ mệnh là phục vụ nỗi thống khổ và sự tự do của con người”. Trong thơ Trần Trung Đạo đã biểu tỏ trọn vẹn ý niệm đó:

Từ độ vầng trăng tắt bóng trên đồi

Ta mang thơ đi vào đời máu chảy

Hờn vong quốc trong lòng ta lớn mãi

Vẫn ngày đêm mang nguyện ước đi tìm

Tổ quốc bao năm rồi “thống nhất”

Anh về đi giữa phố không quen

Hà Nội mang nỗi buồn chiến thắng

Thừa huy chương nhưng thiếu miếng ăn

Anh bước đi giữa trời đất Bắc

Mang niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi

Máu và tim của hồn Tổ Quốc

Bốn ngàn năm chảy một dòng thôi

Nhà thơ Ái Nhĩ Lan William Butler Yeats đã nói: “Creative work must have a fatherland” (Tác phẩm nghệ thuật phải có một Tổ Quốc).

Thơ Trần Trung Đạo như đường gươm quyết liệt, lúc nào anh cũng tự tin sẽ có một ngày mai tươi sáng trên quê hương:

Sáng hôm sau Mẹ già vừa thức giấc

Thấy con yêu đang đứng đợi bên giừơng

Giọt nước mắt cuối cùng vừa nhỏ xuống

Biến thành mưa tắm mát cả quê hương

Hát đi em cho ruộng đồng bát ngát

Cho giòng sông trong vắt chảy quanh năm

Cô thôn nữ có giọng hò tha thiết

Má ửng hồng vì mới có người thăm

Hát đi em bài ngợi ca dân chủ

Rừng lâu rồi bặt cả tiếng chim ca

Hoa tự do dường như vừa mới nở

Khắp non sông chung mạch sống chan hòa

Thơ Trần Trung Đạo đã tổng hợp chất liệu sống thực, ông sáng tác như để tường trình với thế giới về những thảm trạng đã và đang xảy ra trên quê hương đầy hận thù và thống khổ triền miên. Về những con đường thế hệ Trần Trung Đạo đã đi qua. Về những lời trăn trối thảm sầu trên biển Đông đầy kinh hoàng máu và nước mắt. Về những tiếng cầu kinh, thắp lên ngọn đèn tâm linh tôn giáo bị xích xiềng trùng vây địa ngục. Gióng tiếng thơ chưa đủ, Trần Trung Đạo còn viết truyện và đăng đàn trước đồng bào ở ngoài nước với những tâm tình và phẩn nộ. Với ước mơ tự do dân chủ và hạnh phúc cho những người ở quê nhà. Anh kêu gọi giải thể bạo tàn phá vỡ u tối và điên cuồng. Anh tuyên dương những anh hùng vị quốc vong thân như Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai…

Thơ của Trần Trung Đạo như nhịp cầu nối kết từ những thế hệ trước 75 và thế hệ sau 75 ở hải ngoại. Thế hệ trẻ hải ngoại và trong nước cùng có những ưu tư thao thức, xây dựng quê hương hướng đến mâu số chung tiến hóa của nhân loại, và đề cập đến cái đau chung của dân tộc, cái xót xa trầm thống chung của đồng bào, cái thân phận lạc loài của những người bỏ xứ ly hương. Giấc mơ chung của người Việt từ trong nước và trên khắp thế giới là nguyện câu cho quê hương sớm có Tự Do Dân Chủ thực sự:

Ôi quê hương, bao giờ tôi trở lại

Đi giữa ngày không sợ bóng đêm đen

Trong giấc ngủ không xích xiềng réo gọi

Câu thơ tình chỉ viết để yêu em…

(Giấc mơ nhỏ của tôi)

Tôi vẫn đợi bên giòng sông lịch sử

Một bầy chim lưu lạc bốn phương trời

Bỗng một sớm về đây gom góp lửa

Gieo mầm xanh trên muôn vạn nẻo đời…

(Tôi vẫn đợi)

Quê hương thanh bình nhưng không phải là quê hương hạnh phúc của người dân, khổ đau ngục tù đã khép kín bao ước mơ:

… Ta van xin các người đừng hẹn nữa

Bằng những lời đường mật chẳng ai tin

Khi chiêc áo phai đi màu chủ nghĩa

Chỉ còn trơ da thịt của dân mình

Ta van xin các người đừng vẽ nữa

Những hào quang rực rỡ cảnh thiên đường

Ta đã sống, đã nghe và đã thấy

Một ngục tù che kín giữa quê hương

Ta van xin các người đừng ngủ nữa

Trên lầm than tủi nhục giống da vàng

Ai thức đó, thắp giùm ta ngọn lửa

Soi vết hằn trên đất mẹ lầm than…

(Van xin)

Mai mốt dòng đời ghềnh thác cheo leo

Mang hy vọng, con tàu ta rẻ sóng

Hãy nhớ nhau trên quê người mưa nắng

Ngọn lửa về nguồn sáng mãi trong tim…

(Về nguồn)

Thời gian không cho phép chúng tôi giới thiệu nhiều hơn về cõi thơ của thi sĩ Trần Trung Đạo với những dòng thơ mênh mông đậm đà, lúc nào cũng sắt son gắn bó với Quê hương Dân tộc, chan chứa tình người, đề cao cuộc sống đầy tha nhân từ ái, với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thật tài tình, súc tích cô đọng, bút pháp diễn tả nhạy cảm như hương đồng phấn nội, đã truyền đạt đến đôi tượng cùng mang cảm tính đồng điệu của nòi tình như một triết lý hiện thực. Kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và âm nhạc.

Thơ Trần Trung Đạo đã vượt qua khỏi phạm trù sáng tạo thông thường, tự nó đã trở thành những di cảo, những thông điệp giá trị của thời hiện đại, lấp lánh ngọn lửa tin yêu từ những trái tim kiên cường đấu tranh để cùng hòa điệu với dòng sinh mệnh của văn hóa dân tộc, sáng đẹp trong tình thương nhân ái với ước mơ quê hương sẽ có một ngày Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền và Thanh Bình thật sự.

“Hãy thắp lên ngọn nến hy vọng còn hơn ngồi than thở hoài trong bóng đêm…”

Thái Tú Hạp

(Giới thiệu Trần Trung Đạo Trong Ngày Ra Mắt Sách Chính Luận Tại Little Saigon 18-1-2015)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *