KỶ NIỆM XANH NHƯ LÁ, LỚN NHƯ CÂY
Nếu được tạo nên, chắt chiu và trân quý, kỷ niệm cũng lớn dần theo thời gian như cây lá trong vườn.
Trước đây tôi có gợi ý cho các bạn trẻ nên tìm cách lắng nghe tâm sự của con mình từ khi các cháu còn nhỏ. Cách hay nhất là tạo cơ hội đi chơi riêng với con.
Tháng Hai, 2019, khi nạn dịch từ Trung Cộng mới bắt đầu tràn qua Mỹ, tôi và cô út thực hiện một chuyến “đi giang hồ” đầy kỷ niệm ngay giữa mùa Đông. Hai cha con đáp máy bay xuống Las Vegas, mướn một chiếc SUV rồi từ đó lái đi Arizona và Utah. Đọc tin thời tiết của những nơi sắp đến hai cha con cũng hơi run nhưng đã nhất định rồi và không đổi ý.
Cô út muốn lái xe để ba cô có thời gian chụp hình trên con đường núi tuyết đang rơi nhẹ, rất hẹp nhưng rất đẹp đến nhà trọ B&B. Suốt ba giờ không thấy một bóng xe chạy cùng chiều hay ngược chiều dù GPS và Google Map đều chỉ giống nhau. Chúng tôi đến một thị trấn nhỏ chỉ có một tiệm McDonald’s nhưng bán theo lối lái xe mua qua cửa sổ chứ không tiếp khách. Chúng tôi về lại nhà vài hôm thì cả nước lần lượt khóa cửa.
Chuyến “đi giang hồ’ này đã in sâu vào ký ức và sẽ là những câu chuyện kể hoài không hết của hai giọt nước từ thiên hà mênh mông trong một lần hạnh ngộ giữa cuộc đời này. Chúng tôi nói chuyện với nhau suốt cả tuần lễ từ chuyện học hành đến những mơ ước tương lai. Vợ chồng tôi bón phân tưới nước cho ba cây nhỏ nhưng không cố uốn chúng thành những Bonsai.
Hơn hai chục năm trước không biết nhau, hôm nay là cha con và một thời gian nữa sẽ chia tay nhau. Còn lại chỉ là kỷ niệm được gieo xuống tâm hồn. Hạt giống kỷ niệm đó sẽ ươm mầm cho những lần hạnh ngộ khác. Và lần sau, giống như lần này, hai giọt nước cũng sẽ không nhớ gì quá khứ hay đoán biết được tương lai. Nhưng đó lại là một điều hay.
Ngày cháu ngoại trai ra đời, ôm cháu vào lòng, tôi chợt dấy lên một ước mơ nho nhỏ là được sống đến ngày cháu ngoại tốt nghiệp đại hoc, tức khoảng 22 năm nữa. Nhưng rồi cộng với số tuổi của mình tôi nghĩ ngày đó chắc gì đã có. Tôi tự giảm xuống vài năm cho đúng với thực tế hơn. Tôi mơ sẽ sống đến ngày cháu tốt nghiệp trung học, tức 18 năm nữa. Nhưng rồi cũng thấy xa. Cuối cùng, tôi hỏi cô út “Con nhớ gì về ông bà ngoại?” Bà ngoại cô út qua đời năm cô út chừng 10 tuổi. Cô út kể rất nhiều kỷ niệm về bà ngoại ngay cả khi cô còn nhỏ hơn 10 tuổi và toàn là những kỷ niệm đẹp. Tôi yên tâm, và thay vì tính tuổi, tôi tạo ra kỷ niệm với cháu mình.
Cháu sẽ lớn lên và nếu ai hỏi gì về ông bà ngoại cháu sẽ kể những trò chơi “đua xe” trong sân nhà, những dòng thác nhỏ bên hồ mà ông cháu đặt tên, con đường ông bà ngoại dắt cháu đi vào mùa thu, trò chơi ném sỏi xuống hồ. Cháu sẽ quên nhiều nhưng chắc cũng sẽ còn lại khá nhiều.
Xã hội cũng thế. Xã hội, từ vật chất đến tinh thần thật ra cũng chỉ là một gia đình lớn. Không ai suốt đời quanh quẩn trong nhà và không ai chính tay mình làm nên tất cả. Chúng ta cần nhau và tùy thuộc vào nhau. Từ hạt gạo, hạt muối chúng ta ăn mỗi ngày, bàn tay ấm, quán café nơi chúng ta gặp gỡ lần đầu đến niềm tin tôn giáo thiêng liêng mỗi chúng ta tin đều do vô số nhân duyên tạo thành.
Trên chặng đường mỗi chúng ta đi qua có tất cả các mối quan hệ chập chùng như thế. Tình thầy trò, tình bạn, tình yêu, tình anh em, tình hàng xóm là những nét kẻ làm nên bức tranh cuộc đời đầy màu sắc của mỗi chúng ta. Nếu biết quan tâm và săn sóc những kỷ niệm đó cũng sẽ xanh và lớn như cây dù chúng ta còn nhau, xa nhau hay ngay cả mất nhau.
Trần Trung Đạo